Đấu giá Du lịch An Giang: Nhà đầu tư đặt mua giá cao nhất nhưng SCIC không chuyển cổ phần

Đấu giá Du lịch An Giang: Nhà đầu tư đặt mua giá cao nhất nhưng SCIC không chuyển cổ phần

Tại phiên đấu giá, ông Huy đã bỏ giá đặt mua một cổ phần là 194,000 đồng, đây là mức giá đặt mua cao nhất trong các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Như vậy ông Huy sẽ được nhận chuyển nhượng 233,733 cp Du lịch An Giang. Tuy nhiên, phía SCIC không thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho ông Huy, hoàn trả lại số tiền đó.

* 2 năm lỗ, Du lịch An Giang được SCIC chào bán giá khởi điểm 158,000 đồng/cp

CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS) thông báo nhận được Bản án sơ thẩm về việc tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần của Tòa án Nhân dân Quận Cầu Giấy. Theo đó, nguyên đơn là ông Nguyễn Ngọc Huy, bị đơn là SCIC và tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS).

Tòa án nhận định, về thẩm quyền và thời hiệu, SCIC, OCS và CTCP Du lịch An Giang (OTC: AGTourimex) tổ chức bán đấu giá công khai 233,733 cp của Nhà nước tại Du lịch An Giang. Ông Nguyễn Ngọc Huy là nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá để tìm kiếm lợi nhuận nên ông đã nộp số tiền đặt cọc hơn 3.69 tỷ đồng cho SCIC. Trong quá trình đấu giá phiên ngày 21/10/2015, ông Huy là người trúng giá nhưng ông không được thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần. Ngày 19/05/2016, ông Huy có đơn khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân Quận Cầu Giấy giải quyết tranh chấp tiền phạt cọc trong quá trình bán đấu giá cổ phần của Du lịch An Giang.

Về nội dung tranh chấp, SCIC tổ chức chào bán cổ phần công khai là hoàn toàn hợp pháp, ông Nguyễn Ngọc Huy có đủ năng lực dân sự, tham gia đấu giá, đặt cọc theo đúng quy chế đấu giá đưa ra. Giao dịch giữa ông Huy và SCIC là đúng quy định và được chấp nhận. Ông Huy tham gia đấu giá đã thực hiện đúng trách nhiệm của nhà đầu tư. Tại phiên đấu giá, ông Huy đã bỏ giá đặt mua một cổ phần là 194,000 đồng, đây là mức giá đặt mua cao nhất trong các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Như vậy ông Huy sẽ được nhận chuyển nhượng 233,733 cp Du lịch An Giang.

Tuy nhiên, phía SCIC không thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho ông Huy, hoàn trả lại số tiền cho ông Huy với lý do: Trong quá trình đấu giá ông Đoàn Minh Thư không có giấy ủy quyền của nhà đầu tư là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim nhưng đã tham gia buổi đấu giá; Biên bản xác định kết quả đấu giá không có chữ ký đầy đủ của thành viên Ban tổ chức đấu giá, do vậy SCIC không công nhận kết quả đấu giá.

Hội đồng xét xử nhận định, việc ông Đoàn Minh Thư có mặt tại buổi đấu giá là lỗi thuộc Ban tổ chức đấu giá, nhà tổ chức đấu giá là OCS và đơn vị giám sát là SCIC. Ban tổ chức đấu giá, đại diện nhà tổ chức đấu giá, đại diện đơn vị giám sát có thể yêu cầu ông Đoàn Minh Thư rời phòng đấu giá, hoặc dừng phiên đấu giá khi có sự vi phạm quy chế đấu giá nêu trên, nhưng Ban tổ chức đấu giá vẫn tiến hành đấu giá. Hơn nữa nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Huy không biết, không buộc phải biết ông Đoàn Minh Thư có giấy ủy quyền hợp lệ của Nguyễn Kim hay không, do vậy không chấp nhận căn cứ này của SCIC đưa ra.

Đối với Biên bản xác định kết quả đấu giá không có chữ ký của bà Huỳnh Thị Thanh Thảo (là thành viên Ban đấu giá), Hội đồng xét xử thấy rằng, theo quy chế đấu giá thì OCS là đơn vị ban hành quyết định thành lập Ban tổ chức đấu giá, thông báo đến cho các thành viên trong Ban tổ chức đấu giá, các thành viên trong Ban tổ chức đấu giá có nghĩa vụ hoàn thành trách nhiệm của mình. Việc bà Huỳnh Thị Thanh Thảo không ký vào Biên bản xác định kết quả đấu giá mà không đưa ra một lý do nào là do lỗi của Ban tổ chức đấu giá. Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thảo thì bà không biết mình là thành viên Ban tổ chức đấu giá, không biết gì về biên bản xác định kết quả đấu giá, bà chỉ tham gia với tư cách là người chứng kiến. Việc bà Huỳnh Thị Thanh Thảo không ký Biên bản xác định kết quả đấu giá dẫn đến nhà đầu tư trúng giá không được công nhận kết quả đấu giá là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc Huy buộc SCIC và OCS liên đới bồi thường cho ông số tiền phạt cọc nhưng không được SCIC chấp nhận vì SCIC cho rằng, số tiền đặt cọc là để đảm bảo cho nhà đầu tư tham gia buổi đấu giá, chứ không phải là số tiền đảm bảo cho việc ký hợp đồng. Trong quy chế đấu giá không quy định chế tài phạt cọc, và việc đặt cọc đảm bảo cho việc chuyển nhượng cổ phần, nhưng đã quy định rõ việc xử lý tiền đặt cọc như là hình thức đặt cọc thông dụng nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Hơn nữa Hội đồng xét xử thấy rằng việc ông Huy không thực hiện được việc nhận chuyển nhượng 233,733, cp của Du lịch An Giang là do lỗi của SCIC và OCS trong quá trình thực hiện, giám sát cuộc bán đấu giá cổ phần.

Để đảm bảo công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch chuyển nhượng cổ phần, trên cơ sở phù hợp với quy định, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Huy. SCIC là đơn vị nhận khoản tiền đặt cọc và là đơn vị chào bán cổ phần, SCIC đã trả lại cho ông Huy số tiền cọc. Như vậy SCIC còn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền 3.69 tỷ đồng phạt cọc cho ông Huy.

Đối với yêu cầu của ông Huy buộc SCIC và OCS liên đới bồi thường số tiền 340 triệu đồng là khoản tiền thiệt hại do lãi phát sinh trên số tiền ông Huy đã nộp khoản tiền thanh toán tiền mua cổ phần là hơn 41.6 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng với lãi suất 9%/năm, Hội đồng xét xử không chấp nhận vì theo quy chế đấu giá ông Huy có trách nhiệm nộp khoản tiền thanh toán mua cổ phần khi có thông báo kết quả đấu giá, nhưng OCS chưa ra thông báo kết quả đấu giá ông Huy đã tự ý chuyển số tiền thanh toán mua cổ phần cho SCIC là không phù hợp.

Giữa SCIC và OCS có ký hợp đồng dịch vụ tư vấn và tổ chức bán đấu giá, tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa SCIC và OCS không có yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện đấu giá theo hợp đồng đã ký, do vậy Tòa án không xem xét giải quyết. Khi các bên có tranh chấp sẽ được xem xét giải quyết trong vụ án khác khi có đơn yêu cầu. Về án phí, ông Huy phải chịu án phí trên số tiền 340 triệu đồng, SCIC có nghĩa vụ chịu án phí theo quy định.

Theo đó, Tòa quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Huy, buộc SCIC phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền hơn 3.69 tỷ đồng phạt cọc cho ông Huy. Tòa cũng không chấp nhận yêu cầu của ông Huy về việc buộc SCIC và OCS liên đới bồi thường cho ông số tiền 340 triệu đồng.

Thái Hương

FiLi

Tài liệu đính kèm:
20171009_20171009-OCS-CBTT ban an so tham so 24_2017.pdf
20171009_20171009-OCS_Ban an so tham so 24_2017.pdf