Giao dịch các bên liên quan trong doanh nghiệp, quản trị thế nào cho tròn?

Giao dịch các bên liên quan trong doanh nghiệp, quản trị thế nào cho tròn?

Ắt hẳn hầu hết doanh nghiệp và cổ đông đều đã quá quen với giao dịch các bên liên quan (GDCBLQ), nhưng tác động của tất cả những giao dịch này ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và có mang đến rủi ro cho cổ đông không?

Tai Diễn đàn Quản trị Công ty 2017 ngày 12/10/2017 với chủ đề “Xung đột lợi ích và Giao dịch bên liên quan”, đại diện lãnh đạo cấp cao, thành viên HĐQT của các công ty đại chúng lớn và niêm yết đã cùng thảo luận về cách giám sát những giao dịch với bên liên quan và hướng tới quản trị xung đột lợi ích hiệu quả nhất.

Buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề trách nhiệm của HĐQT trong giải quyết xung đột lợi ích và GDBLQ

Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN, giao dịch các bên liên quan là hoạt động thường xuyên tại doanh nghiệp nhưng nếu không được thực hiện đúng cách, không có quy định chặt chẽ ở cấp độ công ty thì rất dễ bị lạm dụng, không chỉ làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn là thách thức đối với tính liêm chính của thị trường vốn. Các công ty đại chúng, đặc biệt là công ty niêm yết cần xây dựng chính sách, quy trình nội bộ và cơ chế giám sát về GDCBLQ phù hợp với quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế tốt nhất.  

Dưới góc nhìn của Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh chia sẻ, GDCBLQ là một giao dịch thông thường và khá phổ biến trong quá trình hoạt động tại các doanh nghiệp. Một điều tất yếu, công ty đại chúng và niêm yết không nằm ngoài câu chuyện đó. Như vậy, điều cần quan tâm là làm thế nào để GDCBLQ tạo nên lợi ích cho doanh nghiệp và không gây xung đột lợi ích cổ đông. Bà Thanh nói thêm, GDCBLQ cũng sẽ mang lại lợi ích trong trường hợp được kiểm soát chặt chẽ, trình bày một cách đầy đủ và đặt mục tiêu không làm tổn thất cho cổ đông tại doanh nghiệp lên hàng đầu.

Ở phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) cho biết, những GDCBLQ diễn ra khá thường xuyên trong hoạt động kinh doanh tại REE trong hiện tại. Trước đó, tại thời điểm khi REE thực hiện cổ phần hóa, GDCBLQ chưa được hiểu đúng cách và coi trọng nhưng dần nhận thấy REE là một công ty đại chúng có sự đóng góp vốn của nhiều cá nhân và tổ chức thì GDCBLQ đã trở nên quan trọng hơn vì nếu không có sự giám sát tốt nó có thể tổn hại đến lợi ích của cổ đông, đặc biệt dẫn đến mâu thuẫn về quyền lợi.

Trong câu chuyện này, vai trò của HĐQT là rất quan trọng, phải tuyên bố các chính sách của công ty về vấn đề GDCBLQ, cũng như công khai chính kiến và quan điểm của doanh nghiệp đối với những GDCBLQ và phải lưu ý có tạo mâu thuẫn lợi ích hay không.

Bà Thanh cũng chia sẻ quan điểm của REE cũng như của riêng cá nhân bà trong cương vị là lãnh đạo, thì vấn đề GDCBLQ vô cùng quan trọng và luôn được lưu ý đúng mực tại REE. Song một vấn đề được đặt ra liên quan đến yếu tố này là đạo đức và ý thức người thực hiện. Bà nhấn mạnh, chuẩn mực đạo đức của những người thực hiện các giao dịch này cần đặt lên hàng đầu.

Ông Chris Zarook, Trưởng nhóm Quản trị Công ty Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, IFC quan điểm rằng, GDCBLQ là việc rất bình thường, tuy nhiên cần lưu ý đến lợi ích và giá cả thực hiện của các giao dịch như thế nào.

Về mặt lợi ích, đây là giao dịch thường dẫn dến các xung đột nhiều nhất. Cụ thể, những GDCBLQ có thể khiến tài sản hoặc vốn của doanh nghiệp bị chiếm dụng và chuyển đến một đơn vị khác. Song song đó, mức độ tin cậy của cổ đông sẽ bị ảnh hưởng và làm sụt giảm tính liêm chính của doanh nghiệp, từ đó đánh mất giá trị mà doanh nghiệp xây dựng. Do đó, việc xem xét và thực hiện giám sát chặt chẽ qua những chính sách về vấn đề này là điều cần thiết.

Ông cũng cung cấp thêm thông tin về chỉ số các quy định liên quan đến xung đột lợi ích, những năm gần đây tại Việt Nam, chỉ số này đã được cải thiện nhiều nhưng con số đạt được hiện chỉ 4.3, thấp hơn mức trung bình trong khu vực là 5.6 và cách xa mức trung bình của các nền kinh tế OECD và châu Âu.

Trí Nhiên

FILI