Lộ trình nào cho các ngân hàng áp dụng Basel II?

Lộ trình nào cho các ngân hàng áp dụng Basel II?

Vào cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41 với các quy định hướng theo chuẩn Basel II hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 hoặc từng ngân hàng có thể áp dụng sớm hơn khi đáp ứng tiêu chuẩn và đăng ký về NHNN. Hiện lộ trình áp dụng Basel II tại nhiều ngân hàng đã thực hiện đến đâu và kế hoạch nào cho thời gian sắp tới?

* Áp dụng Basel II có thể giảm 30-40% CAR của các ngân hàng, giải pháp nào cho hiệu quả tối ưu?

Từ tháng 2/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu thí điểm triển khai Basel 2 tại 10 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MBB, MaritimeBank, Sacombank và VIB.

Đến nay, ông Hà Văn Trung – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Sacombank cho biết, Ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho Basel 2 và sẽ triển khai áp dụng “gói” đầu tiên vào năm 2018.

Tại MaritimeBank, ông Bede Pohlen – Giám đốc Khối Quản lý rủi ro chia sẻ,  Ngân hàng đã có những bước chuẩn bị rất sớm cho việc triển khai Basel II. Ngay từ năm 2014, MaritimeBank đã cùng đơn vị tư vấn thực hiện phân tích khoảng cách chênh lệch với các chuẩn mực Basel II trên nhiều khía cạnh. Kể từ năm 2016, Maritime Bank hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và công cụ tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) một cách tự động và được triển khai định kỳ. Dự kiến, Trụ cột 1 (liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc) và Trụ cột 3 (liên quan đến việc công bố thông tin theo nguyên tắc thị trường) sẽ được áp dụng toàn diện tại MaritimeBank trước năm 2019. Maritime Bank đang xây dựng nền tảng cho việc áp dụng Trụ cột 2 và dự kiến sẽ áp dụng theo lộ trình quy định bởi NHNN.

MaritimeBank đã phê duyệt thành lập ban chỉ đạo Dự án Basel II và riêng một đơn vị đầu mối chuyên trách triển khai từ năm 2015. Ngoài việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, Maritime Bank cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, dành nhiều thời gian để thu thập, làm sạch, và xử lý dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và công cụ tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2016.

Tại MBB, bà Phạm Thị Trung Hà – Phó Tổng giám đốc kiêm Phó ban chỉ đạo dự án Basel II cho biết, Ngân hàng đã bắt tay nghiên cứu và triển khai Basel II từ năm 2012 khi thuê tư vấn để xây dựng khung quản trị rủi ro (QTRR) hoạt động và quy trình thực hiện ba công cụ rủi ro hoạt động. Đến năm 2014, MBB thực hiện dự án phân tích khoảng cách và xây dựng lộ trình triển khai Basel II. Hiện MBB đã xây dựng khá đầy đủ hệ thống văn bản, chính sách, phần mềm để sẵn sàng áp dụng. Ngoài ra, MBB cũng đang chuẩn bị kỹ các điều kiện để thực hiện tính vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động theo phương pháp nâng cao; thực hiện quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP) theo yêu cầu của Trụ cột 2 (đang được NHNN dự kiến ban hành Thông tư thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN). Ngân hàng cũng đã từng bước hình thành những nhân sự chủ chốt và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Basel II.

Còn tại VPBank, ông Dmytro Kolechko - Giám đốc Khối quản trị rủi ro cho biết, Ngân hàng đã xây dựng dự án triển khai Basel II và định kỳ tính toán hệ số an toàn vốn dựa trên Thông tư 41 để quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, VPBank đã lên kế hoạch đến cuối năm 2018 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ (IRB Approach), đồng thời xây dựng nền móng để triển khai các yêu cầu theo Trụ cột 2 của Basel II bằng việc từng bước cơ cấu lại khung quản trị rủi ro của ngân hàng. Nhân sự cho ban sự án Basel II của VPBank được xây dựng theo hình thức “BOT”, thuê các chuyên gia quốc tế và một số chuyên gia của Việt Nam, sau đó chuyển giao toàn bộ công việc cho nhân sự nội bộ vận hành.

Được biết, các ngân hàng cũng triển khai đồng thời cả hai giải pháp tăng vốn và tối ưu hóa danh mục tài sản có nhằm mang lại hiệu quả tối đa khi áp dụng Basel II. Với MBB, Ngân hàng đã xây dựng được lộ trình thực hiện các giải pháp tăng vốn linh hoạt như tăng vốn điều lệ, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành công cụ nợ thứ cấp dài hạn và từ nguồn lợi nhuận giữ lại… từ nay đến đầu năm 2020 phù hợp với chiến lược giai đoạn 2017 – 2021 của MBB. Ngoài ra, MBB từng bước tối ưu hóa danh mục tài sản có, tập trung vào những tài sản có hệ số rủi ro thấp, những tài sản mang lại lợi nhuận cao trong tương quan với mức độ rủi ro của tài sản đó.

Tại VPBank, mới đây, vào ngày 31/08/2017, Ngân hàng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 14,059 tỷ đồng lên 15,706 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, VPBank cũng sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản (tối ưu hóa tỷ lệ các nhóm tài sản với trọng số rủi ro khác nhau) và nâng cao chất lượng dữ liệu, giới hạn rủi ro cho các khối kinh doanh nhằm đảm bảo kiểm soát mức tài sản có rủi ro và tăng trưởng tài sản trong khuôn khổ đã được phê duyệt.

Trước đó, vào cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN có nội dung hướng theo chuẩn SA Basel II với nhiều điểm thay đổi so với Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN trước đó. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 hoặc từng ngân hàng riêng có thể áp dụng sớm hơn khi đáp ứng tiêu chuẩn và đăng ký về NHNN.

Minh Hằng

FiLi