TTR tăng gần 200% sau 9 tháng, đã đến lúc lãnh đạo chốt lời?

TTR tăng gần 200% sau 9 tháng, đã đến lúc lãnh đạo chốt lời?

Từ mức 8,600 đồng/cp (03/01), giá cổ phiếu của CTCP Du lịch Thương mại và Đầu tư (UPCoM: TTR) đã tăng hơn 196.5% lên mức 25,500 đồng/cp. Cũng tại mức đỉnh này, nhiều cổ đông nội bộ liên tục thoái vốn.

Có thể nói, 2017 thực sự là năm đỉnh cao của cổ phiếu TTR, khi mà trước đó ròng rã 7 năm liền loanh quanh trong vùng giá 3,000-4,000 đồng/cp. Bắt đầu tăng từ tháng 1/2017, cổ phiếu liên tục kịch trần, đến đầu tháng 7 lập đỉnh cao nhất tại mức 31,800 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 200% chỉ sau 7 tháng. Đến nay, thị giá đã điều chỉnh nhẹ về mức 25,500 đồng/cp (12/10), cũng trong thời gian này nhiều cổ đông nội bộ rục rịch thoái vốn.

Điều đáng nói ở đây, trong con sóng tăng giá đột biến, lượng giao dịch tại TTR gần như chỉ có của cổ đông nội bộ.

Giao dịch cổ phiếu TTR từ lúc niêm yết đến nay

Mở màn giao dịch là Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thùy Dương, ngày 17/02 đã mua vào 170,799 cổ phiếu TTR, nâng tỷ lệ sở hữu lên 8.75% vốn. Cùng ngày có giao dịch bán ra của cổ đông Lê Thanh Phong với số lượng xấp xỉ. Mới đây, bà Dương lại đăng ký thoái toàn bộ số cổ phiếu TTR còn lại, thời gian giao dịch dự kiến trong khoảng 16/10-14/11.

Đến ngày 24/03, ông Phong tiếp tục thoái toàn bộ 400,000 cổ phiếu, tương đương 20.07% vốn nắm giữ tại TTR, chính thức không còn là cổ đông lớn. Cũng với số lượng 400,000 đơn vị, động thái ngược lại có bà Lê Thị Mỹ mua vào hôm 23/03, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 20.07%.

Ngày 19/07, thoái toàn bộ vốn còn có ông Lâm Như Thiện, anh ruột Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời là chồng Chủ tịch HĐQT, đăng ký bán hết 100,000 cổ phiếu TTR. Tuy nhiên, giao dịch trên bất thành. Đặc biệt, Chủ tịch HĐQT Trịnh Thị Nga và Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thùy Dương tiếp tục đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu TTR đang nắm, thời gian giao dịch từ ngày 16/10-14/11 sau lần một đăng ký thất bại do không đạt thỏa thuận.

Giao dịch tại TTR từ đầu năm đến nay

Vẫn chưa có kết quả kinh doanh từ đầu năm 2017 đến nay

TTR được cổ phần hóa từ Công ty Vận tải Khách du lịch vào năm 2005. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống và du lịch. Đến tháng 12/2009, TTR chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Năm 2014, TTR trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.

Tính đến ngày 30/06/2017, cơ cấu cổ đông của TTR gần 85% vốn trong tay cá nhân, riêng Chủ tịch HĐQT Trịnh Thị Nga nắm giữ gần 23%.

Hiện Công ty vẫn chưa công bố số liệu kinh doanh từ đầu năm 2017 đến nay. Trong khi đó, kế hoạch đặt ra cho năm nay là 13 tỷ đồng doanh thu và 400 triệu đồng lãi ròng.

Còn năm 2016, TTR ghi nhận doanh thu 10.8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Nhờ khoản doanh thu khác đột biến gần 1.5 tỷ đồng, khiến Công ty thu về 115 triệu đồng lãi ròng, trong khi năm trước lỗ gần 3 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, TTR cho biết có kế hoạch phát hành tăng vốn nhưng chưa thực hiện được, hiện tổng vốn cổ phần Công ty xấp xỉ 20 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2017, Công ty dự kiến sẽ đi vào triển khai dự án 16A Nguyễn Công Trứ và Gara Hoàng Việt.

Tri Túc

FiLi