VEPR: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% là thách thức

VEPR: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% là thách thức

Tính tới thời điểm 20/09/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11.02% so với tháng 12/2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra, thì mức tăng trưởng trong quý 3 vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 3/2017.

Theo VEPR, tính tới thời điểm 20/09/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11.02% so với tháng 12/2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (2015: 10.8%; 2016: 10.5%). Tuy nhiên, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra, thì mức tăng trưởng trong quý 3 vẫn còn một khoảng cách khá xa (gần 10 điểm phần trăm). Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho quý 4 sắp tới trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng vừa qua, tăng trưởng huy động đạt 10.08%, thấp hơn so với mức 12% của cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt hơn 1.2% so với tốc độ tăng trưởng huy động. Mặc dù có sự thu hẹp so với 6 tháng đầu năm (tín dụng vượt 1.5% so với huy động), sự thiếu hụt nguồn cung về vốn vay (thông qua huy động) sẽ có thể tiếp tục đặt ra rào cản cho chính sách tiền tệ của NHNN trong quý cuối năm, đặc biệt trước mục tiêu 21% của tăng trưởng tín dụng cả năm 2017.

Cụ thể, chính sách hạ lãi suất có thể tăng mức tín dụng, nhưng lại khó huy động nguồn tiền gửi.

Trên thực tế, do NHNN đã mua vào ròng một lượng đáng kể ngoại tệ trong quý 3 (khoảng 3 tỷ USD) nhằm tăng dự trữ ngoại hối, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào. Thanh khoản tốt được thể hiện rõ khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đà giảm mạnh từ khoảng giữa quý 2/2017, xuống dưới mức 1% trong quý này. Cụ thể, lãi suất qua đêm và lãi suất kỳ hạn một tuần cùng giảm xuống mức đáy vào giữa tháng 8, lần lượt đạt 0.44% và 0.56%, giảm lần lượt 77.9% và 73.7% so với hồi đầu quý 3 và lần lượt là 91% và 88.6% so với đầu quý 2. Về cuối quý 3, các mức lãi suất này có chiều hướng gia tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn nằm dưới mức 1%.

Theo báo cáo trong tháng 9 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện tại tương đối tốt, với tỷ lệ tín dụng/hệ thống đạt 87.2%. Về cuối năm, lượng cầu tiền mặt sẽ gia tăng áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, từ đó tác động đến mặt bằng lãi suất. Điều này có thể tạo ra rào cản đối với việc thực hiện yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0.5% từ nay đến cuối năm của Chính phủ được đưa ra hồi tháng 8. Trong bối cảnh đó, NHNN cần thận trọng theo dõi sát diễn biến thị trường để hỗ trợ thanh khoản kịp thời như đã thực hiện hồi đầu năm (NHNN đã bơm ròng hơn 200.31 ngàn tỷ đồng trong tháng 1/2017 nhằm hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng và hút lại khoản tương ứng khi thanh khoản ổn định trở lại vào tháng 2/2017).

Thu Phong

FiLi