Báo cáo kiểm toán 2016 của Hanoimilk có gì mà hệ lụy cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch?

Báo cáo kiểm toán 2016 của Hanoimilk có gì mà hệ lụy cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch?

Sau khi cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch hơn 3 tháng, đến nay CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, HNX: HNM) mới chịu công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2016 với ý kiến ngoại trừ hàng loạt vấn đề của đơn vị kiểm toán.

Tính hiện hữu, tính đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của khoản mục Hàng tồn kho

Đơn vị kiểm toán lưu ý đến thuyết minh số 11, Hanoimilk có ghi nhận số dư Hàng tồn kho tại ngày 31/12/2016 là hơn 113 tỷ đồng. Do đơn vị kiểm toán không được tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho này và với các tài liệu hiện có của Công ty, đơn vị kiểm toán không thể xác định được tính hiện hữu, tính đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của số dư hàng tồn kho cũng như các ảnh hưởng, nếu có, đến các báo cáo tài chính của Công ty cho năm tài chính 2016 bằng các thủ tục thay thế khác.

Tính hiện hữu và giá trị có thể thu hồi của một số tài sản

Đơn vị kiểm toán lưu ý đến thuyết minh số 12, 13 và 15 - Chi phí trả trước, Tài sản cố định hữu hình và Chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Do giới hạn phạm vi kiểm toán, đơn vị kiểm toán cũng không thể tham gia chứng kiến kiểm kê, và với các tài liệu hiện có của Công ty, đơn vị kiểm toán không thể xác định được tính hiện hữu và giá trị có thể thu hồi của một số tài sản bao gồm các tủ mát thuộc chi phí trả trước (3.1 tỷ), bò sữa thuộc tài sản cố định (3.5 tỷ) và bê non (600 triệu) thuộc chi phí xây dựng cơ bản dở dang, với giá trị còn lại tại thời điểm 31/12/2016, cũng như các ảnh hưởng, nếu có, đến các báo cáo tài chính của Công ty.

Số dư các khoản tạm ứng

Đơn vị kiểm toán lưu ý đến thuyết minh số 9 - Phải thu khác. Bao gồm trong tổng giá trị khoản mục Phải thu khác, Công ty có một số khoản tạm ứng cho các nhân viên đã nghỉ việc và các nhân viên với khoản tạm ứng lâu ngày có tổng giá trị là hơn 3 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị các khoản phải thu này. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được khả năng thu hồi các khoản mục trên, cũng như các ảnh hưởng, nếu có, đến các báo cáo tài chính của Công ty.

Chi phí trả trước dài hạn

Đơn vị kiểm toán lưu ý đến thuyết minh số 12 - Chi phí trả trước. Công ty đang ghi nhận chi phí quảng cáo tại khoản mục chi phí trả trước dài hạn với giá trị hơn 8 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, khoản mục chi phí quảng cáo cần được ghi nhận là chi phí khi phát sinh, thay vì ghi trên khoản mục chi phí trả trước và thực hiện phân bổ trong vòng 3 năm như Hanoimilk đang áp dụng theo ước tính của Ban Giám đốc về lợi ích tương lai của chi phí quảng cáo này đối với doanh thu bán hàng của Công ty.

Nếu ghi nhận đúng theo Thông tư 200, chi phí quảng cáo cần ghi nhận thêm cho năm tài chính 2015 và 2016 tương ứng là hơn 3.45 tỷ đồng và 4.56 tỷ đồng, sẽ dẫn đến tăng thêm chi phí bán hàng trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 và 2016 tương ứng, khoản mục Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và chi phí trả trước dài hạn trên Bảng cân đối kế toán năm 2016 sẽ giảm tương ứng là hơn 8 tỷ đồng.

Số dư của các khoản mục phải trả người bán

Kiểm toán lưu ý đến thuyết minh số 16 - Khoản mục Phải trả người bán ngắn hạn. Bao gồm trong tổng giá trị khoản mục Phải trả nhà cung cấp tại ngày 31/12/2016 được trình bày có khoản phải trả cho các hộ nông dân với giá trị 19.8 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm toán, đơn vị kiểm toán không thể xác minh được tính hiện hữu, tính đầy đủ của các số dư này cũng như ảnh hưởng đến các khoản mục khác trên báo cáo tài chính.

Các khoản tiền phạt và chậm nộp thuế

Theo thông báo mới nhất vào tháng 2/2017 của Chi cục Thuế huyện Mê Linh, TP Hà Nội, tính đến cuối năm 2106, số tiền chậm nộp và số tiền phạt hành chính trong lĩnh vực thuế lần lượt là 5.6 tỷ đồng và hơn 1 tỷ đồng. Hanoimilk vẫn đang trong quá trình làm việc với bên thuế để xác định chính xác số tiền trên. Việc ghi nhận thêm các khoản chậm nộp và phạt hành chính nêu trên sẽ làm tăng chi phí trên khoản mục Thuế và các khoản phải nộp năm 2016 là hơn 6.6 tỷ đồng. 

Theo báo cáo kiểm toán, năm 2016, HNM thực hiện được 215 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so mức công bố trước đó là 221.6 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 1.7 tỷ đồng trước kiểm toán xuống mức 1.6 tỷ đồng.

Trước đó, do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2016 này mà Sở GDCK Hà Nội đã quyết định tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu HNM từ ngày 25/07 do Công ty không có biện pháp khắc phục nguyên nhân bị đưa vào diện kiểm soát.

* HNM bị tạm ngừng giao dịch từ 25/07

* Chủ tịch Hanoimilk lý giải vì sao phải kiêm chức Tổng giám đốc

Được biết, năm 2017, Hanoimilk đặt kế hoạch doanh thu bán hàng 328 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận trước thuế 3.67 tỷ đồng, tăng tới 50%.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2017, Hanoimilk thực hiện được 123 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so mức gần 170 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 354 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt tới 1.65 tỷ đồng. Riêng quý 3/2017, Hanoimilk chỉ lãi 99 triệu đồng. Theo giải trình của Hanoimilk, sở dĩ hoạt động kinh doanh quý 3 giảm do cạnh tranh ngành sữa ngày càng khó khăn. 

Hoàng Nguyên

Fili

Tài liệu đính kèm:
1.HNM_2017.11.6_81792eb_BAO_CAO_TAI_CHINH__BAO_CAO_KIEM_TOAN_DOC_LAP_31.12._2016_(2).pdf