Hưởng lợi từ vốn FDI kỷ lục, doanh nghiệp kinh doanh BĐS khu công nghiệp đang làm ăn ra sao?

Hưởng lợi từ vốn FDI kỷ lục, doanh nghiệp kinh doanh BĐS khu công nghiệp đang làm ăn ra sao?

10 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2016, đạt 14.2 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (KCN) tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng vốn ngoại.

70% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản KCN tăng giá cổ phiếu

Kể từ mức đỉnh 15.8 tỷ USD cuối năm 2016, so với mức 11 tỷ USD vào năm 2011, vốn FDI giải ngân sau 5 năm đã tăng 44%. 10 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân tiếp tục ghi nhận con số tích cực với 14.2 tỷ USD. Trong đó, ngành đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) khu công nghiệp được cho là hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn ngoại tăng; khi mà Nhà nước với chủ trương chú trọng xây dựng KCN theo tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư.

Mặt khác, theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán mới đây của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI), FDI gia tăng thì triển vọng sẽ đến với những ngành xuất nhập khẩu, hạ tầng KCN và logistics. Hơn nữa, dù hiệp định TPP chưa được thông qua nhưng các Hiệp định thương mại tự do vẫn là một trong những tâm điểm của thị trường trong quý cuối năm, và một trong số nhóm cổ phiếu liên quan có hạ tầng KCN.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC sắp diễn ra tại Việt Nam, 11 nước sẽ quyết định có đạt thỏa thuận về TPP hay không, điều này kỳ vọng sẽ mang lại một bước tiến mới cho TPP sau thời gian dài bỏ ngỏ.

Như vậy, đi cùng với mức gia tăng kỷ lục của dòng vốn FDI, cùng sự kỳ vọng trở lại của TPP, lĩnh vực kinh doanh BĐS KCN đã, đang và dự tiếp tục mang trong mình nhiều hứa hẹn.

Riêng 9 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh KCN trên sàn chứng khoán ghi nhận những bứt phá mạnh với 70% đơn vị tăng giá. Trong đó, tốc độ tăng phi mã có KCN Cao su Bình Long (MH3)KCN Nam Tân Uyên (NTC). Mới chào sàn ngày 06/03/2017 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 10,760 đồng/cp, sau 8 tháng giao dịch thị giá cổ phiếu MH3 đã tăng hơn 106%, hiện đang giao dịch tại mức 22,200 đồng/cp. Cũng là tân binh trên sàn, NTC từ đầu năm đến nay liên tục leo dốc với tốc độ tăng hơn 2 lần, hiện cổ phiếu đang tạm dừng tại mốc 66,000 đồng/cp.

Tăng giá mạnh còn có Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D), tăng hơn 60% để đạt đỉnh của năm tại mức 55,500 đồng/cp. Ngoài ra, những gương mặt còn lại như SJS, SZL, IDV… cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể, từ 21-30% sau 9 tháng.

Ở chiều ngược lại, mặc dù khối lượng giao dịch sôi nổi song hai ông lớn trong ngành là Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA)Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) lại đồng thuận giảm giá. Trong đó, cổ phiếu KBC ghi nhận giảm gần 15% về mức 11,900 đồng/cp, ITA mặc dù nhận được rất nhiều kỳ vọng song vẫn hoài lao dốc, hiện chỉ còn 3,170 đồng/cp.

Biến động thị giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp kinh doanh BĐS KCN 9 tháng đầu năm

Chủ yếu “ăn” lãi từ hoạt động tài chính!

Ngược lại với giao dịch sôi động, tình hình kinh doanh tại đa số doanh nghiệp trên lại không phải màu hồng, khi mà doanh thu gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí còn điều chỉnh nhẹ.

Tính đến ngày 30/09, tổng doanh thu 10 đơn vị kinh doanh KCN đạt 2,178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 929 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 8% so với thực hiện cùng kỳ. Dù tất cả 10 doanh nghiệp điều ghi nhận có lãi, nhưng chỉ 5 đơn vị tăng trưởng so với cùng kỳ, điểm tên gồm: IDV, NTC, MH3, ITA và KBC. Song, tăng lãi là vậy nhưng nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ hoạt động tài chính, lãi tiền gửi, cổ tức hay khoản thu đột biến từ hoạt động chuyển nhượng.

KQKD doanh nghiệp kinh doanh BĐS KCN 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ

Nổi bật có Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (HNX: IDV) với lãi ròng tăng 170% lên mức 115 tỷ đồng, trong khi doanh thu đi ngược giảm so với cùng kỳ. Được biết, mức tăng lãi ròng được đóng góp chính từ mức tăng doanh thu tài chính mà chủ yếu là lãi tiền gửi, từ 14 tỷ lên gần 24 tỷ đồng. Tương ứng trên bảng cân đối kế toán IDV khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đột biến từ 3.8 tỷ lên mức 366 tỷ đồng.

Tương tự với NTC nhờ ghi nhận khoản lãi tiền gửi đột biến, đẩy lãi ròng 9 tháng vượt 82% kế hoạch. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính lũy kế tăng hơn 139% lên gần 77 tỷ đồng; riêng quý 3/2017 mức tăng đạt đến 219% (đạt 25 tỷ đồng), chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng (đạt hơn 21 tỷ đồng) cùng các khoản cổ tức đầu tư bên ngoài. Kết quả là lãi ròng tăng hơn 111% lên mức 98 tỷ đồng. Với kết quả này, NTC chỉ mới thực hiện 47% kế hoạch doanh thu, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận ròng đã vượt hơn 82% kế hoạch.

Thu lớn từ hoạt động tài chính cũng là câu chuyện tại KBC, với thương vụ chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen đem về cho Công ty gần 355 tỷ đồng đã đẩy doanh thu tài chính tăng vọt. Theo đó, mặc dù doanh thu hợp nhất 9 tháng KBC giảm về mức 1,010 tỷ, nhưng lãi ròng cổ đông công ty mẹ vẫn ghi nhận tăng nhẹ so với cùng kỳ, xấp xỉ 543 tỷ đồng.

Với ITA, do không còn nhận cổ tức từ đầu tư khiến nguồn thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, ITA ghi nhận doanh thu tăng 2 lần lên mức 354 tỷ đồng, lãi ròng theo đó ghi nhận tăng nhẹ, đạt 39 tỷ đồng. Song, so với kế hoạch 309 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ITA chỉ mới thực hiện được 12.6% chỉ tiêu năm.

Hưởng lợi từ dòng vốn FDI là vậy, song vẫn còn đó 5 doanh nghiệp KCN giảm lãi từ đầu năm đến nay, đó là LHG, TIP, SZL và SJS.

Đáng kể nhất là Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (HOSE: SJS) với tỷ lệ đi lùi đến 87%. Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SJS đạt 44 tỷ đồng, giảm 91%, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 36 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Trong khi đó, riêng quý 3 Công ty có hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính gần 23 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 22 tỷ đồng, gấp 7.3 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng Công ty cũng chỉ mới thực hiện được 5% chỉ tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lãi ròng.

Hiếu Nguyễn

FiLi