OceanBank bổ sung vốn điều lệ 4,000 tỷ đồng bằng nguồn nào?

OceanBank bổ sung vốn điều lệ 4,000 tỷ đồng bằng nguồn nào?

Do thời gian chất vấn với Đại biểu Quốc hội của Thống đốc Lê Minh Hưng đã hết nên câu hỏi "OceanBank được bổ sung vốn điều lệ 4,000 tỷ đồng bằng nguồn nào?" vẫn chưa có câu trả lời từ Thống đốc.

Trả lời chất vấn của đại biểu sáng ngày 17/11/2017 về việc xử lý các ngân hàng được mua với giá 0 đồng, Thống đốc nhấn mạnh, sau khi chúng ta mua lại điều quan trọng nhất là đã ổn định được tâm lý của người gửi tiền, tránh việc rút tiền hàng loạt và giữ được ổn định của các ngân hàng để không gây nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng này, từ đó lây lan sang mất an toàn hệ thống.

Về việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này, sau khi Ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng đã có những bước để kiện toàn hoạt động, đưa cán bộ của các ngân hàng thương mại Nhà nước từ Vietcombank và VietinBank sang để quản trị điều hành các Ngân hàng này, kiện toàn lại bộ máy quản trị điều hành cán bộ, tăng cường các hoạt động để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tiết giảm các chi phí hoạt động để giảm lỗ và tăng cường công tác thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo. Cơ bản bước đầu các hoạt động của Ngân hàng này đã tạm ổn định và lỗ lũy kế cũng đã giảm dần.

Tuy nhiên, thực tế là các Ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao,... Chính vì vậy NHNN chỉ đạo quyết liệt, xây dựng đề án để xử lý các Ngân hàng này,..

Thống đốc cho biết, thực tế rất khó khăn là Việt Nam chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý các ngân hàng yếu kém tương tự như các ngân hàng đã mua vì trước đây chưa có tiền lệ nào trong việc xử lý các Ngân hàng này.

Thống đốc nhấn mạnh, xử lý các ngân hàng vừa phải đảm bảo an toàn lành mạnh nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền. Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. Chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước đã tập trung nỗ lực công sức để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng. Các quy định trong luật này có một nội dung rất quan trọng là để có các công cụ để xử lý và hỗ trợ chương trình tái cơ cấu.

Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực tài chính và năng lực quản trị kinh doanh, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay NHNN đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư để mời, có ngân hàng thì đã có nhà đầu tư vào để thống nhất phương án, có ngân hàng đang đàm phán tiếp tục, có ngân hàng thì NHNN đang tiếp tục tìm các nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư vào, nếu có khuôn khổ pháp lý đầy đủ thì sẽ có các công cụ để xử lý các ngân hàng này một cách triệt để và nhanh chóng hơn.

Anh Đức

FiLi