Sẽ được rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ?

Sẽ được rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ?

Một số ngân hàng lớn đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép cung ứng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) (chủ thẻ rút tiền từ tài khoản của mình bằng cách quẹt thẻ tại POS, ĐVCNT chi tiền mặt cho khách hàng).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Quy định về ĐVCNT được sửa đổi là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hoá, dịch vụ bằng thẻ, ứng tiền mặt từ thẻ cho chủ thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với TCTTT.

Về sửa đổi này, NHNN cho biết vừa qua có một số ngân hàng lớn đã đề xuất NHNN cho phép cung ứng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại ĐVCNT (chủ thẻ rút tiền từ tài khoản của mình bằng cách quẹt thẻ tại POS, ĐVCNT chi tiền mặt cho khách hàng). Theo thông lệ quốc tế cũng cho phép rút tiền mặt qua POS tại ĐVCNT. Vì vậy, tại dự thảo có quy định cho phép việc rút tiền mặt từ thẻ tại ĐVCNT. Do đó, dự thảo cũng sửa đổi cách giải thích từ ngữ về ĐVCNT, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.

Liên quan đến việc rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại ĐVCNT, Dự thảo sửa đổi về giao dịch khống tại ĐVCNT (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp ứng tiền mặt từ thẻ cho chủ thẻ tại ĐVCNT).

Ngoài ra, sau khi nghiên cứu thêm và trao đổi với các ngân hàng đang triển khai việc thanh toán thẻ qua QR Code, NHNN đã bổ sung thêm tại dự thảo Thông tư quy định về “thanh toán thẻ qua mã phản hồi nhanh (QR Code)” để quy định cụ thể về hình thức thanh toán thẻ đang có xu hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, Dự thảo bổ sung thanh toán thẻ qua mã phản hồi nhanh (Quick Response Code - QR Code) là việc sử dụng QR Code để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ cho ĐVCNT; bao gồm hình thức QR Code từ phía ĐVCNT (Merchant-Presented QR Code) và hình thức QR Code từ phía chủ thẻ (Consumer-Presented QR Code).

NHNN cho biết qua theo dõi việc thực hiện hình thức thông báo mẫu thẻ phát hành của các ngân hàng trong thời gian qua, NHNN nhận thấy cần có thêm một số thông tin làm căn cứ để NHNN quản lý, giám sát đối với việc phát hành mới thẻ phi vật lý của các ngân hàng mà tại Thông tư 19 chưa có quy định. Do đó, tại Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về trường hợp phát hành thẻ phi vật lý, tổ chức phát hành thẻ gửi thêm tài liệu mô tả việc phát hành thẻ phi vật lý.

Về hạn mức rút tiền mặt, riêng đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, để hạn chế việc sử dụng tiền mặt (ngoại tệ) được rút từ thẻ sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối, tại Dự thảo quy định các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ tại nước ngoài sẽ bị giới hạn hạn mức tối đa theo ngày. Cụ thể, đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày.

Để hạn chế rủi ro, Dự thảo Thông tư có giới hạn hạn mức rút tiền mặt bằng thẻ qua POS tại ĐVCNT theo ngày (hạn mức thấp để sử dụng chỉ trong các trường hợp cần thiết, phù hợp với thông lệ các nước). Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại ĐVCNT, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng trong một ngày.

Dự thảo cũng bổ sung hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân: (i) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng; (ii) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Anh Đức

FiLi