2 sự kiện nào sẽ khiến Bitcoin tụt dốc?

2 sự kiện nào sẽ khiến Bitcoin tụt dốc?

Bitcoin là một cơn cuồng mà sớm muộn gì cũng sẽ chấm dứt, giống như cách mà mọi cơn cuồng khác vẫn kết thúc: Nhu cầu giảm trong khi nguồn cung lại tăng lên. Và nếu điều đó xảy ra, giá Bitcoin có thể rớt về lại mốc 1,000 USD.

Đó là theo một số ước tính từng thiết lập giá trị cơ bản của Bitcoin ở mức 1,142 USD.

Dẫu vậy, có thể phải mất một ít thời gian để điều đó xảy ra.

“Từ lâu chúng ta đã biết rằng hành vi có lý trí và các kỳ vọng không đủ để ngăn bong bóng, vì điều đó không đủ để bảo đảm rằng giá của một tài sản là bằng với giá trị cơ bản của nó”, Christos Giannikos, Giáo sư Tài chính tại Đại học Baruch, lên tiếng.

Tuy vậy, các tín đồ Bitcoin dự báo nhu cầu sẽ tăng vọt trong thời gian tới, vì đồng tiền kỹ thuật số này đang ngày càng được chấp nhận như là một phương tiện giao dịch và là một “tài sản” đầu cơ.

Thế thì điều gì có thể làm “nguội” lại nhu cầu đối với đồng tiền kỹ thuật số này?

Có một vài điều có thể chấm dứt đà leo dốc của đồng tiền kỹ thuật số này và khiến nhu cầu Bitcoin đi theo hướng ngược lại. Một trong những điều đó là một sự kiện gian lận theo kiểu Enron hay Lehman Brothers, không nhất thiết phải là trên thị trường Bitcoin, mà ở một thị trường tiền mã hóa nào đó khác.

Một sự kiện gian lận về tiền kỹ thuật số có thể làm giảm nhu cầu của Bitcoin theo 2 cách.

Thứ nhất, khi nỗi lo sợ thay thế vị trí của lòng tham thì có khả năng dẫn tới tình trạng hoảng loạn và nhiều người đổ xô đi rút vốn ra khỏi Bitcoin. Điều đó sẽ cung cấp lý do cho những Chính phủ lớn và các ngân hàng để họ tiến hành thuần hóa sự tăng trưởng của đồng tiền này.

Điều thứ hai là sự chấm dứt của thời kỳ chính sách lãi suất thấp. Điều đó sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn, qua đó có thể gây áp lực lên bong bóng Bitcoin.

Trong hoàn cảnh đó, nên lưu ý rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên gần 2.5%.

Lãi suất cao hơn có thể tạo ra áp lực lên nhu cầu Bitcoin theo một số cách. Một trong số đó là lãi suất cao làm tăng “chi phí cơ hội” của lượng tiền được dùng để mua Bitcoin. Điều này đặc biệt đúng đối với những nhà đầu tư mua Bitcoin dựa vào tiền vay ký quỹ (margin). Họ phải đối mặt với tình trạng “margin call” (yêu cầu bảo chứng) nếu đồng tiền kỹ thuật số này rớt giá một cách đột ngột.

Một lý do khác mà lãi suất cao hơn có thể tạo áp lực lên giá Bitcoin là chúng sẽ phục hồi “sự tín nhiệm” đối với các ngân hàng trung ương và những đồng nội tệ mà họ đang kiểm soát. Điều đó sẽ làm cho các đồng tiền thay thế như Bitcoin trở nên ít hấp dẫn với công chúng hơn.

Trong khi gian lận và sự chấm dứt của thời kỳ lãi suất thấp có thể làm giảm nhu cầu Bitcoin, thì Blockchain – công nghệ nền tảng của Bitcoin – cũng có thể được sử dụng để tạo ra các đồng tiền mã hóa khác cạnh tranh với Bitcoin, giống như trường hợp của Etherium, Litecoin, Ripple và một số đồng tiền khác.

Đó sẽ là tin buồn cho những nhà đầu tư Bitcoin. Một nguồn cung tiền kỹ thuật số lớn hơn, cùng với nhu cầu ngày càng giảm, có thể sẽ “nghiền nát” giá Bitcoin vĩnh viễn.

Và đó cũng là những gì đã từng xảy ra với giá của hoa tulip hồi thế kỷ 17.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FiLi