Đình đám một thời, Đá Spilit muốn đổi tên, tăng vốn mạnh, đầu tư đa ngành

Đình đám một thời, Đá Spilit muốn đổi tên, tăng vốn mạnh, đầu tư đa ngành

Tại ĐHĐCĐ bất thường 2017 dự kiến diễn ra vào ngày 25/12 tới đây, HĐQT CTCP Đá Spilit (HNX: SPI) dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu huy động 100 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên gần 269 tỷ đồng.

Phát hành giá gấp 3 lần thị giá, liệu có khả thi?

SPI dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu với giá bán không thấp hơn mệnh giá là 10,000 đồng/cp. Trong khi đó, thị giá hiện nay của cổ phiếu SPI trên sàn chỉ đạt 3,800 đồng (20/12/2017). Như vậy, với sự chênh lệch gần 3 lần giữa thị giá và giá chào bán.

SPI đưa ra phương thức phát hành là chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian phát hành dự kiến ngay trong quý 1/2018, Công ty cũng cho biết thêm việc phân phối cổ phiếu được thực hiện trong 90 ngày.

Trên thị trường, một năm qua giá cổ phiếu SPI biến động khá mạnh. Đang loanh quanh tại mức giá 2,500 đồng/cp trong suốt nửa đầu năm 2017, đến khoảng đầu tháng 7, cổ phiếu SPI bất ngờ xuất hiện những phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh khoảng 1-2 triệu cp mỗi phiên. Đây cũng là thời điểm 2 cổ đông lớn sót lại của SPI thông báo thoái toàn bộ vốn tại Công ty.

Chính những biến động về cổ đông cùng những pha tăng trần liên tiếp khiến SPI trở nên “đình đám” trong mắt nhà đầu tư giai đoạn này. Song, sau đó cổ phiếu SPI lại lao dốc không phanh, hiện cũng đã quay về vùng giá cũ, ngang với giá tiền một ly trà đá là 3,800 đồng/cp.

Biến động cổ phiếu SPI một năm qua

Huy động vốn mạnh để mua lại hai đơn vị ngoài ngành?

Quay trở lại câu chuyện huy động vốn khủng, mục đích của SPI nhằm nhận chuyển nhượng cổ phần hai công ty kinh doanh phân bón và thép, cả hai lĩnh vực này đều không liên quan đến ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Cụ thể, Công ty dự kiến chi gần 65 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 95% vốn Công ty TNHH MTV Phân bón Quốc tế Âu Việt từ cá nhân Nguyễn Hoàng Luân. Được biết, Phân bón Quốc tế Âu Việt hiện có vốn điều lệ 68 tỷ đồng, kinh doanh chính là sản xuất phân bón và hợp chất nito, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm… Song sonng với việc mua lại cổ phần, SPI cũng sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón của đơn vị này tại tỉnh Hậu Giang, tổng vốn yêu cầu khoảng 20.5 tỷ đồng.

Đồng thời, SPI cũng sẽ chi ra 29 tỷ đồng nhằm nhận chuyển nhượng vốn Công ty TNHH Thép Việt Đức Đông Anh từ cá nhân Trần Văn Báu. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của SPI tại công ty này sẽ nâng từ 40% lên 95% vốn.

Trước đó, SPI đã từng mua 40% vốn Thép Việt Đức Đông Anh, tương đương hơn 20 tỷ đồng nhằm cấp nguồn vốn cho Công ty TNHH MTV Môi trường Quốc Bảo để thực hiện thực hiện dự án măng tre Điềm Trúc. Được biết, Đá Spilít đã bắt tay với Công ty Môi trường Quốc Bảo cùng nhau thực hiện dự án trồng măng tre Điềm Trúc tại tỉnh Yên Bái vào năm 2015 và dự kiến sau 3 năm sẽ thu hoạch được 30 tấn măng/ha với giá thị trường là 5,000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, dự án này vẫn gặp một số vướng mắc khi cách đây không lâu HĐQT của SPI đã thông qua các vấn đề liên quan đến việc tiếp tục triển khai dự án và lập lại tiến độ hoàn thành dự án trồng măng tre Điềm Trúc. Theo đó, HĐQT SPI thống nhất sẽ dùng mọi biện pháp để tiến hành rà soát lại toàn bộ phần đất nằm trong dự án một cách nhanh chóng nhất. Sau khi rà soát số liệu cụ thể thì sẽ lập lên ban dự án giải tỏa và đền bù.

Mặt khác, 6.8 tỷ đồng còn lại từ 100 tỷ đồng đợt phát hành, Công ty sẽ chi bổ sung vốn lưu động nhằm nâng cấp, cải tạo mỏ đá đang khai thác.

Đã đổi chủ, và chuẩn bị đổi luôn cả tên

Đình đám một thời, Đá Spilit muốn đổi tên, tăng vốn mạnh, đầu tư đa ngành.

CTCP Đá Spilit SPI được thành lập vào ngày 13/4/2009, chuyên trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại màu, khai thác các loại khoáng sản, dịch vụ khoan nổ mìn, khai thác đá, sản xuất đá xẻ và hoàn thiện đá xẻ.

Về cơ cấu cổ đông, trước khi lên sàn vào cuối tháng 9/2012, danh sách cổ đông lớn của SPI gồm bà Đỗ Thị Cẩm Thúy sở hữu 69.5% vốn và CTCP Khoáng sản Hòa Bình (HOSE: KHB) nắm 20% vốn. Thời điểm đó bà Đỗ Thị Cẩm Thúy làm Chủ tịch HĐQT của cả KHB và SPI.

Tuy nhiên, chưa đầy nửa tháng sau niêm yết, KHB thoái toàn bộ 20% vốn. Tiếp nối bước chân, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cũng tiến hành thoái vốn. Đầu năm 2015, sau khi bán toàn bộ phần 1.3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn hơn 7.5% vốn, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cũng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Hiện, SPI có hai cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đoàn Quốc Khánh nắm 20.23% vốn và Ủy viên HĐQT Nguyễn Đại Quyền 5.74% vốn. Như vậy, việc đổi chủ xem như đã hoàn tất trong năm 2017, và dự kiến trong Đại hội lần này Công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên thành CTCP Spilit, với định hướng mới là kinh doanh đa ngành.

Và nếu được thông qua, cái tên “đình đám” Đá Spilit sẽ chỉ còn là quá khứ, và với định hướng đa ngành mới liệu có giúp Công ty vẽ nên bầu trời tươi sáng hơn?

Tri Túc

FiLi