Tương tự Thế giới Di động, FPT Retail đang nhắm đến ngành dược?

Tương tự Thế giới Di động, FPT Retail đang nhắm đến ngành dược?

Nếu Thế giới Di động (MWG) có Bách hóa xanh và Điện máy xanh, thì FPT Retail sẽ chọn Apple Store là chiến lược dài hơi, dự kiến sẽ mở 100 cửa hàng đến năm 2020, theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty tại Roadshow diễn ra ngày 01/12/2017. Cùng với đó, Công ty đang đầu tư một ngành nghề mới, tiềm năng tăng trưởng cao.

Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc FPT Retail phát biểu tại Roadshow diễn ra ngày 01/12/2107.

Trước nhiều luồng thông tin rằng thị trường bán lẻ điện thoại di động đã bão hòa, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng Giám đốc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đồng ý với quan điểm đó. Bà cho biết, vì vậy cho nên bên cạnh 3 chiến lược nhằm củng cố lĩnh vực bán lẻ hiện hữu, bước đi mới của FPT Retail là mở rộng chuỗi cửa hàng Apple Store. Cụ thể, Công ty dự kiến mở khoảng 100 cửa hàng mỗi năm, kỳ vọng con số cửa hàng của Công ty sẽ đạt từ 650-700 cửa hàng vào năm 2020. Hiện Apple Store là một trong những chuỗi cửa hàng thuộc lĩnh vực FStudio của FPT Retail, Công ty đã mở được 9 cửa hàng.

"Nếu Thế giới Di động (MWG) mở rộng kinh doanh dựa trên cái nền quản trị bán lẻ hiện có bằng việc mở Bách hóa xanh và Điện máy xanh, thì FPT Retail cũng không ngoại lệ. Và Công ty lựa chọn Apple Store dựa trên chiến lược tiếp tục khai thác thị trường Việt Nam của Apple. Mặc dù hiện tại biên lợi nhuận kinh doanh còn thấp so với các sản phẩm khác, song với mức doanh thu trên từng sản phẩm cao, cùng chiến lược phát triển sản phẩm phụ kiện kèm theo, kinh doanh sản phẩm Apple vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng", bà Điệp phân trần.

Hơn nữa, hiện nay một trong những lợi thế cạnh tranh của FPT Retail là hiểu Apple và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của hãng (chiếm khoảng 95% tổng lợi nhuận kinh doanh điện thoại toàn cầu).

Cùng với hai đơn vị nước ngoài là Gel và Thakral Brothers, FPT Retail được Apple chọn để phân phối sản phẩm. "Không thể chắc là tương lai Apple chỉ chọn mỗi FPT Retail để phân phối, nhưng hiện tại đó là thế mạnh nên Công ty sẽ phát triển dựa trên nó", bà Điệp nhấn mạnh.

Ông Việt Anh cũng cho biết thêm, giá trị thị trường kinh doanh Apple trong nước hiện ước đạt 1 tỷ USD mỗi năm, Apple cũng đang có kế hoạch phát triển mạnh hơn tại thị trường Việt Nam.

Hiện F.Studio đang là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple, bao gồm mô hình cửa hàng cấp 1 là APR, cấp 2 AAR và cấp 3 CES.

Nhìn thấy cơ hội thị trường khi Apple đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, Công ty đã có chính sách từ chối thực hiện dịch vụ bảo hành sản phẩm đối với hàng xách tay cùng với việc bắt đầu thực hiện các chiến dịch nhằm bảo vệ thương hiệu Apple ở Việt Nam. Cùng với đó, Công ty cũng đang chuẩn bị nguồn tài chính lớn để xây dựng chuỗi cửa hàng Apple (AAR và APR).

Cũng nhắm đến ngành dược?

Trên thị trường hiện nay, rất nhiều luồng thông tin cho biết nhiều đơn vị điện tử trong đó có MWG đang dần lấn sân sang ngành dược. Và tại Roadshow, khi được hỏi về khoản đầu tư vào dược Long Châu, bà Điệp cho biết hiện tại bà chỉ mới đầu tư cá nhân, còn FPT Retail có thể hướng đến trong tương lai. 

Theo bà Điệp thì Công ty cũng đã lên chiến lược kinh doanh ngành nghề mới từ đầu năm nay. FPT Retail đã vay vốn để phát triển, tuy nhiên vì ngành nghề này khá nhạy cảm nên chưa tiện công bố. Thời gian Công ty chính thức công bố sẽ vào khoảng giữa đến cuối năm 2018, bà Điệp chia sẻ thêm.

Nói về ngành nghề mới, Bà Điệp khẳng định hiện đang có lãi và tiến triển rất tốt, đồng thời chưa hề "đụng chạm" một đồng vốn nào từ những ngành nghề hiện tại.

Cùng với đó, ông Anh cũng tiết lộ thị trường này đang đạt giá trị khoảng 5 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam cho nên Công ty rất tự tin về hiệu quả kinh doanh tại lĩnh vực này.

Như vậy, mặc dù chưa chính thức nhưng theo thông tin từ bà Điệp, rất có thể ngành nghề kinh doanh mới với nhiều tiềm năng tăng trưởng chính là dược phẩm!

Liên quan đến chiến lược mở rộng kinh doanh ngành nghề mới, Công ty cho biết từng đặt vấn đề có nên đi vào chuỗi bán hàng về điện máy như MWG hay không, tuy nhiên xét về quy mô cũng như năng lực, FPT Retail đã từ bỏ. Và đến hôm nay, theo bà Điệp thì quyết định này thực sự sáng suốt bởi hiện nay Điện máy xanh phát triển quá mạnh.

Sẽ đạt 650-700 cửa hàng đến năm 2020?

Được thành lập từ năm 2012 tại Việt Nam, là một thành viên của Tập đoàn FPT, hiện nay FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ:

  • FPT Shop: Hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ thuộc nhiều hãng khác nhau như Sony, Nokia, Samsung, Dell, Acer, Toshiba, HP...
  • F.Studio: Là chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple ở mức độ cao cấp nhất (Apple Premium Reseller).

Tính đến tháng 11/2017, FPT Retail có hơn 460 cửa hàng trên toàn quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) doanh thu đạt 47%/năm trong giai đoạn 2013-2017F, con số này đối với chỉ tiêu lãi ròng đạt 92%. Cùng với đó, tốc độ mở cửa hàng từ 2012 đến nay đạt mức tăng trưởng kép là 57%.

Hiện thị phần điện thoại di động 2017 là FPT Retail là 18%, thị phần máy tính xách tay là 29.3%.

Kế hoạch đến năm 2020, ông Anh cho biết với chiến lược tập trung phát triển độ phủ với khoảng 100 cửa hàng mở mới mỗi năm, FPT Retail kỳ vọng sẽ đạt từ 650-700 cửa hàng.

Niêm yết cổ phiếu trước tháng 4/2018

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2017 của FPT Retail dự kiến xấp xỉ 14 ngàn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng kép từ năm 2013 là 47%/năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 dự kiến tăng 40% lên 291 tỷ đồng, tăng trưởng kép trong vòng 5 năm đạt hơn 92%/năm.

Từ 2017-2020, Công ty đề ra mức tăng trưởng kép cho doanh thu là 23.9% năm và tới năm 2020 đạt 25,400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng trưởng kép ở mức 35.5%, dự kiến đạt 659 tỷ đồng vào năm 2020.

FPT Retail: Lãi ròng 9 tháng đạt 175 tỷ đồng

Cùng với đó, 3 chiến lược được FPT Retail tập trung trong thời gian tới là cải thiện dịch vụ khách hàng, bán hàng thông qua kênh F-Friends (mua trả góp với đối tượng là nhân viên các công ty, tập đoàn) và thúc đẩy mảng bán hàng online.

Được biết, sau khi hoàn tất đợt IPO vào cuối năm nay, Công ty dự kiến sẽ niêm yết trước ngày 30/04/2018. Công ty có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 với tỷ lệ 1:1, giai đoạn từ 2018-2020 sẽ trả cổ tức tiền mặt hằng năm, tối thiểu 20%/mệnh giá.

Theo tính toán, FPT Retail có EPS 12 tháng gần nhất đạt 6,428 đồng, EPS 2017 dự kiến đạt 7,267 đồng và EPS 2018F đạt 9,914 đồng. Cùng với đó, hiện giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của FPT Retail tính đến 9 tháng 2017 đạt 34,525 đồng/cổ phần.

Nguyên Phương

FiLi