Lấy ý kiến chuyện tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng

Lấy ý kiến chuyện tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Dù lương khu vực nhà nước thấp nhưng vẫn hấp dẫn với nhiều người lao động. Ảnh minh hoạ: TBKTSG

Theo Bộ Nội vụ, mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng được áp dụng từ ngày 1-7-2017 mới chỉ bằng mức chuẩn về thu nhập của người cận nghèo của khu vực thành thị giai đoạn 2016 - 2020, bằng 41,43% mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2017 của khu vực doanh nghiệp, và chỉ bằng khoảng 35,53% bình quân mức nhu cầu sống tối thiểu. Điều này dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

Dù ngân sách còn khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 49/2017/QH14. Trong đó, Khoản 7, Điều 3 của Nghị quyết quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương hưu cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm áp dụng từ 1-7-2018”.

Về kinh phí thực hiện, dự thảo nêu rõ các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngang bộ đảm bảo tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2018 trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở….

Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 3-3-2018.

Năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức, 2,5% biên chế sự nghiệp

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành nêu rõ, trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.

Trọng tâm là nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục.... Hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.

Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao.

Thùy Dung

Thời báo kinh tế sài gòn