Vì sao BOT bị phản đối dây chuyền: Chữa khuyết tật cho dự án BOT bằng cách nào?

Vì sao BOT bị phản đối dây chuyền: Chữa khuyết tật cho dự án BOT bằng cách nào?

Trong khi các dự án BOT làm đường ở miền Tây liên tục bị chủ phương tiện phản đối thì vẫn có những dự án BOT như cầu Rạch Miễu, Mỹ Lợi và đường cao tốc Trung Lương - TP HCM nhận được sự ủng hộ của người dân.

Vì sao cùng là dự án BOT nhưng lại có hai bức tranh hoàn toàn trái ngược nhau như vậy?

Căng thẳng ở BOT Sóc Trăng đang leo thang.

Sức nóng BOT vẫn còn

Ngày 10/1, trạm thu phí T2 thuộc dự án nâng cấp QL91 đoạn KM 14+000 đến Km 50+889 theo hình thức BOT đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đã phải nhiều lần xả trạm vì bị phản đối. Vị trí trạm T2 không hợp lý vì nằm ở giao lộ quốc lộ 80 nên dù chỉ làm BOT quốc lộ 91 nhưng thu cả xe qua lại tuyến quốc lộ 80 nên bị chủ phương tiện phản ứng từ khi chưa hoạt động.

Điều đáng nói ở đây là ngày 6/6/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký ban hành công văn số 6020 về việc miễn giảm cho các phương tiện sử dụng đoạn đường ngắn và phương tiện gần trạm. 3 địa phương là An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang đã lập danh sách đề nghị miễn giảm cho hơn 3.000 phương tiện nhưng cho tới nay có chưa tới 10% trong danh sách này được giải quyết miễn giảm theo quy định.

Khu vực miền Tây có 5 dự án dự án BOT đường thì đến nay đã có 4 dự án bị các chủ phương tiện phản đối.

Làm gì để hạ nhiệt?

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang: trong điều kiện đất nước còn nghèo thì việc nhà nước kêu gọi xã hội hóa xây dựng hạ tầng là tất yếu, hợp lòng dân. Bằng chứng là những dự án hợp lý có lợi cho vận chuyển hàng hóa với mức phí phù hợp thì người dân sẵn sàng chi trả, điển hình như dự án đường cao tốc Trung Lương-TP HCM. Hay trước đây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ thu phí có thấy ai phản đối đâu.

"Sở dĩ chủ phương tiện phản ứng với một số dự án BOT là vì những dự án này có nhiều "khuyết tật", mức thu, hay cách thu chưa sòng phẳng”- ông Xuân phân tích.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ thì 3 lý do chính mà các chủ phương tiện đưa ra để phản đối các trạm BOT trong thời gian qua là: vị trí đặt trạm không hợp lý, mức thu phí cao hơn so với suất đầu tư và việc xem xét miễn giảm cho các phương tiện diện được miễn giảm chậm được thực hiện.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thừa nhận, nguyên nhân xảy ra phản đối ở trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp cũng xuất phát từ việc nhà đầu tư không thực hiện kịp thời việc miễn giảm phí cho phương tiện xunh quanh trạm. Ông Dũng cũng đồng ý mức thu tại trạm thu phí này dù đã điều chỉnh một lần với mức giảm 7-10% nhưng so ra vẫn còn cao hơn so với đường cao tốc.

Sau khi xảy ra lùm xùm ở 4/5 trạm BOT trong khu vực, thì ngày 9/1, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu và BOT Sóc Trăng mới chịu ký thông báo về việc giảm giá vé cho người dân lân cận từ 0h ngày 10/1. Điều này thể hiện sự lúng túng của các chủ đầu tư BOT.

Phú Khởi

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP