Chuyện đầu tư chứng khoán của hai dân văn phòng

Chuyện đầu tư chứng khoán của hai dân văn phòng

Tôi có hai chị bạn, làm công việc văn phòng tại TPHCM, mê đầu tư chứng khoán.

Chị A mở tài khoản giao dịch chứng khoán hai năm gần đây. Do có người bạn làm môi giới chứng khoán tại một công ty nọ, chị mở tài khoản tại công ty nơi người bạn làm việc rồi ủy thác cho người bạn làm môi giới giao dịch giùm.

Ban đầu, chị chỉ nạp vào tài khoản 100 triệu đồng. Trong lúc thị trường đang xu hướng đi lên cộng với việc người bạn mà chị ủy thác giao dịch có kiến thức tốt và có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán, hàng tháng, chị có lời đều đều từ 3-10% từ chứng khoán.

Chị kể lương văn phòng của chị chỉ đủ nuôi bản thân. Tiền nhà cửa, tiền ăn học của hai đứa con đều do chồng chị lo. Hàng tháng, đầu tư có lời, chị bán cổ phiếu. Số tiền lời hàng tháng từ việc đầu tư, chị chia cho người bạn môi giới một ít, còn lại chị có thể đưa con đi chơi, đi ăn uống nhà hàng một bữa thịnh soạn.

Nhưng cũng có tháng, trạng thái tài khoản của chị bị lỗ, chị để cổ phiếu trong tài khoản vài tháng, đến khi có lời trở lại thì bán.

Tính ra trong năm 2016, tài khoản đầu tư của chị có mức lời tổng cộng đến 80%. Thế là tiền thưởng Tết năm đó được vài chục triệu đồng cộng với vài chục triệu đồng dành dụm được, chị nạp thêm vào tài khoản thành 200 triệu đồng.

Năm 2017, chị cũng có lời 60%. Cuối tháng 1/2018, chị bán hết cổ phiếu, nghỉ ăn Tết. Số tiền lời trong năm, chị sắm sửa quần áo Tết cho con, mua sắm một số đồ đạc trong gia đình.

Chị A nói chị chọn đầu tư chứng khoán vì đây là kênh đầu tư linh hoạt. Chị không cần có nhiều tiền mới có thể bắt đầu đầu tư, như đầu tư bất động sản. Ngoài ra, chứng khoán có tính thanh khoản cao, chị có thể chuyển thành tiền mặt bất cứ khi nào cần. Bên cạnh đó, chị đầu tư chứng khoán vì lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Vài năm gần đây, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ khoảng 6-7%/năm. Trong khi mua cổ phiếu, chị hoàn toàn có thể kỳ vọng mức lời từ 20-30%/năm. Việc mua cổ phiếu của những công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, ngoài cổ tức được trả khi công ty làm ăn có lãi, chị còn thu lợi từ khoản chênh lệch giữa giá bán và giá mua cổ phiếu.

Chị A kể cho tôi nghe chuyện đầu tư chứng khoán của chị và lưu ý tôi không nói lại cho đồng nghiệp của chị biết. Chị nói chị kể cho tôi nghe vì tôi “hiểu”. Chị không muốn người khác bàn tán, “đánh giá” chị “máu me”. Trước đó, khi chị nói đến chuyện đầu tư chứng khoán, đa số đồng nghiệp của chị đều khuyên:

- Thôi nha!

- Đừng nha!

- Rủi ro lắm!

Nhưng chị A cũng hiểu để đầu tư sinh lợi bền vững cần trang bị kiến thức và việc nhờ vả môi giới khiến cho giao dịch nhiều lúc không linh hoạt. Vì vậy, chị quyết định những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, chị sẽ cắp cặp đi học về đầu tư chứng khoán.

Chị bạn khác, tạm gọi là B, mở tài khoản giao dịch chứng khoán đầu năm 2017 và tự tiến hành giao dịch. Mặc dù không qua trường lớp nào nhưng nhờ chịu khó mày mò trên mạng internet cộng với việc được bạn bè hướng dẫn, chị B cũng có lời từ việc đầu tư. Tuy nhiên, mức lợi nhuận từ việc đầu tư của chị không cao do chưa có phương pháp đầu tư.

Chị B cho biết chị cũng có danh mục cổ phiếu đầu tư, hễ cổ phiếu nào có lời thì chị bán, “kiếm tiền uống cà phê với bạn”, cổ phiếu nào lỗ thì giữ lại. Do không biết định giá cổ phiếu, không giữ cổ phiếu dài hạn nên mức lợi nhuận không cao. Thêm nữa, cổ phiếu bị lỗ có khi chị phải giữ lại đến vài tháng. Chị B quyết định: “Thôi, để đầu năm mới đi học, rồi về đầu tư đàng hoàng”.

Cũng giống như chị A, chị B không cho người nhà biết việc chị đầu tư chứng khoán - từ cha mẹ, chồng con, đến anh chị em - vì “nói ra có thể bị ngăn cản”, dù chị chỉ đầu tư ít tiền.

Hiện nay, những người mong muốn kiếm thêm thu nhập thông qua việc đầu tư chứng khoán tại Việt Nam như hai chị bạn tôi chưa nhiều. Hay như lời chị A nhận xét ở trên, nhiều người Việt vẫn chưa hiểu nhiều về đầu tư chứng khoán và phần lớn xem đây là kênh đầu tư rủi ro. Bằng chứng là chỉ có hơn 1.9 triệu tài khoản chứng khoán giao dịch tại thị trường Việt Nam – theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong khi dân số Việt Nam có hơn 90 triệu người. Trong khi đó, với người dân một số nước, chứng khoán là một kênh đầu tư phổ biến, thậm chí còn là kênh gửi tiết kiệm tốt để dành cho con cái sau này.

Nếu một ngày nào đó, có nhiều người hơn đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển hơn. Dĩ nhiên, nhà đầu tư phải học để có phương pháp đầu tư an toàn và sinh lợi bền vững.

Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố số lượng tài khoản giao dịch trong nước và ngoài nước tại ngày 31/1/2018, theo quản lý trên hệ thống VSD.

Theo đó, số lượng tài khoản giao dịch trong nước có 1,927,491, trong đó số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 1,918,957 và số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 8,534 tài khoản.

Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài có 23,135, trong đó số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 20,248 và số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 2,887.

Phúc Minh

Fili