“Loạn chưởng” – Làm sao để tránh?

“Loạn chưởng” – Làm sao để tránh?

“Loạn chưởng” là từ thường được dùng để chỉ trạng thái rối loạn phương pháp hay mất phương hướng của các nhà đầu tư. Vậy làm sao để tránh nguy cơ này?

Dục tốc bất đạt

Những quảng cáo theo kiểu “Sử dụng tốt tiếng Anh trong vòng 60 ngày” hay “Tinh thông tiếng Pháp với khóa học XYZ” chắc sẽ không thể khiến nhiều người tin. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng mình có thể trở thành chuyên gia phân tích cơ bản hay trader thành công chỉ sau vài khóa học.

Quan điểm trên là một sai lầm tai hại khá phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay. Để trở thành nhà đầu tư giỏi, bạn phải liên tục học hỏi thêm kiến thức thông qua sách vở, tham gia các khóa học nâng cao, hội thảo chuyên đề… và quan trọng hơn là sự trải nghiệm với thị trường trong suốt một thời gian dài.

Việc quá hấp tấp, vội vàng trong học hỏi và ứng dụng các kiến thức sẽ rất dễ dẫn đến hệ quả là nhà đầu tư dễ bị rối loạn phương pháp khi đầu tư do hiểu biết chưa đủ rộng và sâu. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể mất luôn niềm tin vào các phương pháp mà mình đang sử dụng.

Sau đây là một số giải pháp nhà đầu tư cần lưu ý để tránh bị loạn chưởng trong tương lai:

Theo sát phương pháp trong một thời gian dài

Khi phát hiện được một phương pháp hay một chỉ báo mới thì bạn phải test nó thật kỹ lưỡng trước khi ứng dụng nó vào thực tế. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Nhà đầu tư còn cần phải hết sức kỷ luật và làm theo các tín hiệu của chỉ báo đó trong một thời gian dài để có thể phát huy được tác dụng của nó.

Ví dụ dưới đây của REE và đường Simple Moving Average 100 ngày (SMA 50) sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Suốt giai đoạn từ tháng 07/2014 đến tháng 10/2016, SMA 100 cho tín hiệu mua bán khoảng 10-11 lần và tỷ lệ thất bại là 90%! Lần thành công hiếm hoi cũng chỉ cho tỷ suất sinh lời không quá 5%. Trong những thời kỳ như vậy nhà đầu tư rất dễ bị ức chế về tâm lý khi chỉ báo liên tục đưa ra các tín hiệu mua bán nhưng không đem lại lợi nhuận. Điều này sẽ dễ khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy chán nản, thất vọng và quyết định không làm theo các tín hiệu của đường SMA 100 trong thời gian tới nữa.

Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn khắc nghiệt và khó đoán. Sau hơn 10 lần liên tục cho tín hiệu nhiễu và làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của nhà đầu tư thì đến tháng 11/2016 tín hiệu mua lại thành công và đem lại khoản lợi nhuận to lớn (gần 80%).

Điều này cho thấy nếu bạn đã test kỹ lưỡng và quyết định đi theo tín hiệu của một chỉ báo thì phải theo đến cùng. Nếu bỏ dở giữa chừng vì vài lần cho tín hiệu nhiễu thì sẽ lại rơi vào trạng thái “loạn chưởng”.

Tránh tình trạng đứng núi này trông núi nọ trong ngắn hạn

Một cái chết kinh điển thường thấy trên thị trường chứng khoán xảy ra khi bạn phải lựa chọn giữa 2 cổ phiếu cùng ngành là A và B. Sau khi đã cân nhắc cẩn thận, bạn chọn A vì thấy A có nhiều điểm tốt hơn B như doanh thu ổn định hơn, lợi nhuận cao hơn, công bố thông tin minh bạch hơn…

Tuy nhiên, sau vài tháng nắm giữ thì giá A lại đứng yên trong khi giá cổ phiếu B lại tăng mạnh dù không có thông tin hỗ trợ gì. Bạn quá nóng ruột nên bán đi cổ phiếu A và chuyển sang mua B. Nhưng trớ trêu thay ngay khi bạn vừa mua B thì giá cổ phiếu này lại rớt thảm trong khi cổ phiếu A lại bắt đầu tăng giá từ từ. Điều này làm cho bạn bắt đầu nghi ngờ các kiến thức mình học và tăng thêm sự bất mãn đối với thị trường. Vậy thì giới chuyên môn giải thích như thế nào về hiện tượng này?

Giáo sư Eugene Fama và Lars Peter Hansen của Đại học Chicago và Giáo sư Robert Shiller của Đại học Yale đã chứng minh rằng không có cách nào dự đoán chính xác được giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Nếu giá cả hầu như không thể đoán được trong phạm vi vài ngày, vài tuần hay vài tháng thì liệu chúng có trở nên khó đoán trong vòng vài năm?

Câu trả lời là không! Việc dự đoán ở tầm dài hạn hơn (tầm 3-5 năm) là điều có thể làm được. Kết luận này không chỉ đúng với cổ phiếu mà còn đúng với trái phiếu và các loại tài sản khác. Các giáo sư Eugene Fama, Lars Peter Hansen và Robert Shiller đã đạt giải Nobel Kinh tế năm 2013 nhờ vào công trình nghiên cứu này.

Các nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett hay Irving Kahn đã từng ví việc đầu tư như là trồng cây. Bạn không thể đòi hỏi các cổ phiếu mình đầu tư cho thu hoạch (lợi nhuận) ngay trong năm đầu tiên. Trong rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư phải chờ đợi nhiều năm mới có thành quả.

Với tất cả các lập luận trên, chúng ta có thể thấy rằng để trở thành nhà đầu tư thành công bạn cần phải biết chờ đợi và kiên nhẫn. Điều này không chỉ đúng với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản mà còn hiệu quả với các nhà đầu tư sử dụng phân tích kỹ thuật. Các tín hiệu trên đồ thị tuần (weekly), tháng (monthly) luôn luôn chính xác hơn và đáng tin cậy hơn so với đồ thị ngày (daily) hoặc giờ (hourly).    

Hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính

Theo tài chính hành vi, đòn bẩy tài chính cao là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự căng thẳng thường trực. Sự căng thẳng này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhà đầu tư trong dài hạn.

Mặt khác, nó còn khiến cho nhà đầu tư rơi vào trạng thái quá lạc quan (excessive optimism) hoặc quá bi quan (excessive pessimism) khi thị trường tăng/giảm mạnh. Các cảm xúc này dễ khiến nhà đầu tư ra các quyết định không hợp lý ở những thời điểm quan trọng.

Không sử dụng tin nội gián quá nhiều

Một thực tế đang tồn tại là nhiều nhà đầu tư rất thích đi săn tin nội gián để tìm kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Dưới góc nhìn của tài chính hành vi thì việc này giống như hút thuốc phiện.

Thuốc phiện làm suy nhược cơ thể dần dần và sức khỏe đi xuống. Tương tự như vậy đối với người dùng tin nội gián nhiều.

Dần dần các kỹ năng phân tích cơ bản hay kỹ thuật của người đó sẽ bị thui chột và phụ thuộc quá lớn vào yếu tố này. Bạn vẫn có thể tham khảo các tin đồn, tin nội gián trên thị trường, các room chat, các diễn đàn… nhưng đừng để nó trở thành yếu tố chi phối chính cho quyết định đầu tư của mình.

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI