Điện tử Biên Hòa: Thua lỗ triền miên, quyết định thoái vốn tại Saigonbank phải cao hơn giá vốn

Điện tử Biên Hòa: Thua lỗ triền miên, quyết định thoái vốn tại Saigonbank phải cao hơn giá vốn

HĐQT CTCP Điện tử Biên Hòa (UPCoM: BEL) vừa quyết định bán cổ phiếu đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB) với mức giá phải cao hơn giá vốn là 19,765 đồng/cp.

HĐQT BEL sẽ quyết định thời điểm thích hợp thực hiện các thủ tục bán đấu giá số cổ phiếu này theo quy định.

Gần đây nhất, tháng 11/2017, Vietcombank đã bán đấu giá thành công hơn 13 triệu cp (4.3% vốn) SGB với giá trúng thầu 20,100 đồng/cp, cao hơn nhiều so mức giá khởi điểm 12,550 đồng/cp. Như vậy, BEL có khả năng kỳ vọng không chỉ lấy lại được vốn đầu tư ban đầu mà còn ghi nhận lãi được một khoản tương ứng từ đợt thoái vốn này?

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của BEL, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về khoản đầu tư 1,498,680 cp tại SGB đang ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán số tiền gần 30 tỷ đồng, BEL đã thực hiện trích lập dự phòng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm toán, Công ty chưa thu thập được mức giá giao dịch thực tế theo báo giá của 3 công ty chứng khoán tại thời điểm gần nhất với 31/12/2017 làm căn cứ trích lập dự phòng khoản đầu tư này. Do đó, đơn vị kiểm toán không đánh giá giá trị của khoản đầu tư và trích lập dự phòng này cũng như ảnh hưởng đến số liệu trình bày trên Báo cáo tài chính 2017 của BEL.

Liên tục thua lỗ, nội bộ mất ổn định, tồn kho lớn, công nợ kéo dài

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2017, BEL thực hiện được gần 23 tỷ đồng doanh thu, đạt 75% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế âm 550 triệu đồng, tiếp tục ghi nhận lỗ năm thứ 4 liên tiếp.

Theo BEL, nguyên nhân kết quả kinh doanh năm qua không đạt kế hoạch do ban điều hành cũ đã không kiểm soát được chi phí nói chung và đặc biệt là chương trình khuyến mãi du lịch năm 2017 đã thực hiện không đúng yêu cầu của HĐQT. Thêm vào đó nội bộ mất ổn định nên cùng với tình hình thị trường khó khăn cộng thêm với sự thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến lượng tiêu thụ hàng hóa thấp, hàng tồn kho lớn và công nợ kéo dài.

Theo yêu cầu của HĐQT, Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhằm làm lành mạnh Công ty. Tuy nhiên do khoản trích lập dự phòng hơn 2 tỷ đồng cũng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017.

Kết quả kinh doanh của BEL từ 2013 - 2017 và kế hoạch dự kiến 2018
Đvt: Triệu đồng

BEL nhận định tình hình vĩ mô năm 2018 vẫn chưa ổn, nhiều rủi ro còn tiềm ẩn đối với doanh nghiệp. Thêm vào đó, ngành hàng điện từ, điện máy dân dụng tiếp tục cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu lớn, thương hiệu vừa và nhỏ với các sản phẩm không thương hiệu.

Trong khi đó, hiện nay, Công ty quản lý hạ tầng tại nhà máy Biên Hòa (Sonadezi) đang đòi truy thu BEL số tiền thuế đất từ năm 2006 đến nay lên đến gần 3.5 tỷ đồng. BEL cũng tồn kho một số sản phẩm khó tiêu thụ mặc dù đã giảm dưới giá vốn. Ngoài ra còn tồn đọng một số khoản công nợ khó đòi.

Theo đó, BEL đặt kế hoạch năm 2018 với tổng doanh thu gần 26 tỷ đồng, tăng 14% so năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hơn 3 tỷ đồng.

Mạnh tay hơn, dự kiến tháng 6/2018 Công ty sẽ phối hợp với VTB sản xuất thí điểm loa di động có App Karaoke của VTB.

Với hoạt động kinh doanh bết bát, cổ phiếu BEL từ khi lên sàn UPCoM (tháng 7/2016) đến nay hầu như không có giao dịch, hiện vẫn đứng tại mức giá 7,100 đồng/cp.

Biến động cổ phiếu BEL trong vòng 12 tháng qua

Vốn điều lệ của BEL ở mức 60 tỷ đồng, trong đó Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC) nắm giữ chủ yếu với 51%.

Hoàng Nguyên

Fili