IPO Viện dệt may: 21 nhà đầu tư đăng ký mua với số lượng gấp 6 lần chào bán

IPO Viện dệt may: 21 nhà đầu tư đăng ký mua với số lượng gấp 6 lần chào bán

Dự kiến sáng ngày 12/03/2018, Viện dệt may sẽ tổ chức buổi đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Số lượng cổ phần chào bán là hơn 2.26 triệu cp với giá khởi điểm 12,583 đồng/cp.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của Viện dệt may. Số lượng cổ phần bán đấu giá là 2,263,000 cp, tương đương 45.25% vốn. Đã có 21 nhà đầu tư (4 tổ chức và 14 cá nhân) tham gia đợt này với số lượng cổ phiếu đăng ký mua lên tới 14,336,100 cp, gấp 6.3 lần số cổ phần chào bán.

Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào sáng 12/03/2018 tại HNX. Với giá khởi điểm 12,583 đồng/cp, ước tính Viện dệt may sẽ thu về trên 28 tỷ đồng từ đợt chào bán này.

Viện dệt may có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của nhà nước, thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá, Viện dệt may sẽ IPO và chào bán 45.26% cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng với tỷ lệ 45.26%. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động chiếm 9.48%. Như vậy, sau cổ phần hoá, nhà nước sẽ không nắm cổ phần nào tại Viện dệt may.

Trong giai đoạn từ 2014-2016, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện dệt may đạt trung bình trên 76 tỷ đồng/năm. Doanh thu của Viện có xu hướng giảm, năm 2016 đạt gần 81 tỷ đồng, đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn gần 57 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 608 triệu đồng, giảm 45% so với năm 2016. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Viện dệt may đạt mức 41 tỷ đồng.

Sau cổ phần hoá, Viện dệt may đặt mục tiêu doanh thu đạt 49 tỷ đồng năm 2018, 55 tỷ đồng năm 2019 và 61 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch năm 2018 đạt 47 triệu đồng, tăng lên 187 triệu đồng năm 2019 và đạt 891 triệu đồng năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Văn Thông - Viện trưởng Viện dệt may, tại Hà Nội, Viện này có hai khu đất tại số 478 Minh Khai (diện tích 2,851 m2) và ngõ 454/24 Minh Khai (diện tích 5,311 m2). Cả hai khu này đều đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và xưởng thực nghiệm.

Còn tại TP.HCM, Viện dệt may có khu đất tại 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1 với diện tích gần 2,220 m2, cũng đang được sử dụng với mục đích trên.

Theo nguồn tin từ báo chí, giải thích về câu chuyện bị tố mượn IPO để kinh doanh "đất vàng", ông Nguyễn Văn Thông cho biết, giai đoạn năm 2014-2016, hai nguồn thu của Viện đến từ đề tài, đề án và kỹ thuật, sản xuất kinh doanh. Trong đó, doanh thu từ kỹ thuật, sản xuất kinh doanh là chính, chiếm 80-90% tổng doanh thu. Đặc biệt, Viện không ghi nhận doanh thu từ việc khai thác “đất vàng”.

Ông khẳng định, "Viện dệt may có cổ phần hóa thì cũng vẫn phải làm nghiên cứu khoa học chứ không được kinh doanh bất cứ loại gì kể cả văn phòng cho thuê. Do đó, câu chuyện “đất vàng” là không chính xác. Miếng đất như thế thì không thể sử dụng để làm giàu”. Đồng thời nhấn mạnh thêm, Viện IPO nhưng vẫn giữ vững hoạt động nghiên cứu về dệt may, bởi về thị trường thì Viện dệt may hoàn toàn có thể nắm bắt được.

Thu Phong

FILI