QR-Code có đủ sức làm nên cuộc Cách mạng thanh toán mới tại Việt Nam?

QR-Code có đủ sức làm nên cuộc Cách mạng thanh toán mới tại Việt Nam?

Thanh toán qua mã QR (QR-Code) đã không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc,… Tại Việt Nam hiện nay cũng đã có hơn 8,000 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR thuộc rất nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, shop thời trang, taxi... Liệu rằng mã QR có thể tạo nên một cuộc Cách mạng thanh toán mới tại Việt Nam hay không?

Theo bài viết từ CNNMoney, mã QR đã lên ngôi tại Trung Quốc khi ăn xin hay mừng đám cưới đều dùng phương tiện này. Dường như tại quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là có thể mua sắm tất cả mọi thứ, từ quần áo, giày dép, đến những món ăn trên đường phố. Và cũng từ đó, mã QR đã bùng nổ thành một phương tiện thanh toán kỹ thuật số nhiều người dùng nhất.

Từ những cửa hiệu lớn, đến khu chợ nhỏ lẻ, thuê xe đạp và thậm chí là… người ăn xin cũng sử dụng mã QR. Các ông chủ cửa hàng cho biết, nếu không dùng mã QR trong thanh toán thì cửa hàng sẽ bị mất doanh thu vì hầu như thanh toán qua mã QR chiếm đến 70% doanh thu. Mọi người có thể sử dụng chúng để thanh toán ở một cửa hiệu bằng cách quét mã QR của một sản phẩm hoặc đưa mã cá nhân của họ cho nhân viên thu ngân. Tiền được trừ từ ví tiền di động có kết nối với những tài khoản ngân hàng thông thường. Những mã QR này dễ tạo ra và dễ sử dụng, và điều này khiến chúng trở nên phổ biến với những nhà bán lẻ nhỏ và những nơi vốn không chấp nhận thẻ tín dụng.

Thậm chí có những bức ảnh về một phù dâu ở Bắc Kinh mang một mã QR trên cổ để nhận tiền mừng cưới cho cô dâu và chú rể. Chính quyền Trung Quốc cũng đang tham gia vào “cuộc chơi” khi dùng mã QR để thanh toán các phương tiện công cộng, hóa đơn điện, nước và khám chữa bệnh. Giới chuyên gia dự báo có thể một ngày không xa, mã QR sẽ được sử dụng cho các giấy tờ chính thức như giấy khai sinh và chứng minh nhân dân.

Ngân hàng Việt làm gì để tạo nên cuộc Cách mạng thanh toán bằng mã QR?

Tại Việt Nam, sản phẩm này bước đầu được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng (chủ yếu qua Mobile Banking). Công nghệ này đang được các ngân hàng Sacombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, NCB, SCB, ABBank, TPBank… áp dụng. Trong đó, QR Pay được tích hợp trong các ứng dụng Mobile Banking như VCB-Mobile B@nking, VietinBank iPay Mobile, BIDV Smart Banking, Agribank E-Mobile Banking, NCB Smart, SCB Mobile Banking, ABBANKmobile hay TPBank QuickPay hay Sacombank mCard…

Theo đó, người dùng có thể tải ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng, hoặc ứng dụng thanh toán điện tử có chức năng quét mã QR và đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Người bán sẽ dán mã QR lên quầy thu ngân, khách hàng chỉ cần quét mã QR của cửa hàng, thêm bước nhập số tiền (nếu là QR tĩnh), mã PIN hoặc dùng vân tay xác nhận là hoàn tất giao dịch. Người mua cũng có thể tạo mã QR chứa thông tin thanh toán của mình. Khi giao dịch, người bán sẽ dùng máy quét kết nối với một thiết bị đầu cuối để thực hiện.

Tính năng QR trên ứng dụng điện thoại này đang hướng người dùng đến một “xã hội không cần tiền mặt”. Trong tương lai không xa, có thể khi ra ngoài khách hàng không cần mang theo túi xách hay ví nữa mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khi đó người dùng sẽ không phải lo về vấn đề tiền lẻ, không cần mang nhiều thẻ hay lo thông tin thẻ bị tiết lộ tại các điểm thanh toán.

Hiện nay, thanh toán qua mã QR đã được ứng dụng đối với thẻ Visa và Mastercard. Và gần đây nhất, ngày 31/01/2018, Sacombank (STB) là ngân hàng đầu tiên tại thị trường Việt Nam cùng Tổ chức thẻ quốc tế UnionPay International ký kết triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR. Điểm khác biệt so với các ngân hàng khác là phương thức thanh toán qua mã QR này tại Sacombank được giao dịch trên phạm vi toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam. Tiên phong trong lĩnh vực này, Sacombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chính thức triển khai dịch vụ thanh toán qua quã QR cho cả thẻ Visa và Mastercard, cùng lúc cho cả chiều thanh toán và chiều chấp nhận giao dịch thẻ.

Trước đó, Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên bổ sung chức năng rút tiền nhanh bằng QR (Sacombank QR Cash) vào ứng dụng mCard. Chủ thẻ Sacombank (trừ thẻ Doanh Nghiệp, thẻ trả trước vô danh) có thể dùng thiết bị di động (điện thoại/máy tính bảng) quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM để thực hiện giao dịch rút tiền nhanh chóng mà không cần sử dụng thẻ nhựa như thông thường. Dịch vụ này được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam và áp dụng cho toàn bộ mạng lưới ATM Sacombank trên toàn quốc.

Ngoài việc thuận tiện thì người dùng rất quan tâm về bảo mật và an toàn, cho đến nay, đây là hình thức an toàn và bảo mật nhất.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc – Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank, thanh toán qua mã QR vừa hiệu quả về chi phí triển khai, vừa gia tăng sự an toàn và bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV. Hình thức thanh toán qua mã QR bảo mật hơn vì để đăng nhập vào điện thoại di động thì đa phần người dùng đều cài đặt mật mã. Khi vào ứng dụng, người dùng nhập mật mã của ứng dụng, và nhập lại mật mã lần nữa khi đến bước thanh toán, như vậy, có thể có đến 3 lớp bảo mật. Đồng thời, mỗi bước của ứng dụng đều được thiết lập thời gian “time out” phù hợp, khi không có thao tác thì ứng dụng sẽ tự động đăng xuất, nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm. Hy vọng QR code phát triển sẽ hạn chế sử dụng tiền mặt, scan mã QR cũng tiện hơn, giúp cho người bán và người mua lưu được thông tin sử dụng, ông Phúc cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Sacombank cũng đang quan tâm tới công nghệ Sinh trắc học - công nghệ thanh toán tiền bằng vân tay, khuôn mặt. Ngân hàng dùng những đặc điểm cá biệt của từng người để thực hiện quá trình thanh toán nhanh. Thay vì phải quẹt thẻ và ký tên xác nhận thì khách hàng chỉ cần nhấn ngón tay có dấu vân đã đăng ký với ngân hàng vào thiết bị thanh toán hoặc đưa khuôn mặt trước máy quét là giao dịch đã được thanh toán vào tài khoản của họ.

EMVCo là cơ quan công nghệ toàn cầu xúc tiến việc chấp nhận và tương kết các giao dịch thanh toán an toàn trên toàn thế giới bằng cách quản lý và phát triển các chuẩn mực kỹ thuật EMV và những quy trình kiểm tra liên quan.Qua đó, giúp thúc đẩy một khung thanh toán quốc tế thống nhất nhằm hỗ trợ những phương thức thanh toán, các công nghệ và môi trường thanh toán cao cấp. EMVCo được đồng sở hữu bởi 6 tổ chức American Express, Discover, JCB, Mastercard, UnionPay và Visa, và tập trung vào phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật EMV. Các thông số EMV dựa trên chip liên lạc, chip không tiếp xúc, EMV thế hệ thứ 2, ứng dụng thanh toán chung (CPA), thanh toán trả tiền và bảo mật 3 chiều. Việc mã QR phát triển bởi các ngân hàng nội địa đạt chuẩn đồng nghĩa với việc các ứng dụng di động của sáu tổ chức thanh toán quốc tế có thể quét được định dạng mã QR này và ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trong nước cũng có thể quét được mã của các tổ chức quốc tế.

Với những tính năng này, liệu QR code có đủ sức làm nên cuộc cách mạng thanh toán mới tại Việt Nam?

*Quẹt mã QR để rút tiền tại ATM Sacombank bằng cách nào?

Hàn Đông

FILI