Ba lý do “nên duyên” cho việc sáp nhập giữa HDBank và PGBank

Ba lý do “nên duyên” cho việc sáp nhập giữa HDBank và PGBank

"PGBank là một ngân hàng nhỏ nhưng có thể nói là một ngân hàng có tài sản, dư nợ khá "sạch". Vì vậy, sau sáp nhập, HDBank sẽ không gặp nhiều trở lại trong việc cơ cấu lại nợ xấu của PGBank", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho biết.

Theo Đề án sáp nhập HDBank gửi các cổ đông, có 3 lý do chính dẫn đến việc sáp nhập giữa HDBank và PGBank.

Thứ nhất, quy mô vốn nhỏ là một thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhóm khách hàng mục tiêu của PGBank.

PGBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười với vốn điều lệ ban đầu 90 tỷ đồng, tăng lên 3,000 tỷ đồng như hiện nay. Từ khi thành lập, PGBank xác định chiến lược phát triển sẽ tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) và các đơn vị liên quan, cũng như phát triển dịch vụ tài chính cá nhân thông qua mạng lưới cây xăng của Petrolimex. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, mạng lưới hoạt động còn mỏng khiến PGBank gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Petrolimex, công ty thành viên và các đơn vị liên quan. Điều này dẫn đến sự cần thiết của việc gia tăng quy mô để thực hiện chiến lược kinh doanh ban đầu.

PGBank đã thực hiện 5 lần tăng vốn từ năm 2006 đến nay. Áp lực tăng vốn lên 3,000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 đã dẫn đến sự tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiểu rủi ro cho PGBank trong giai đoạn trước đây. Giai đoạn 2007-2010, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân của PGBank đạt 113%, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đối với nền kinh tế đạt 100%, tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu đạt 87%. Áp lực tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn cùng những khó khăn của nền kinh tế đã làm gia tăng rủi ro với hoạt động của PGBank.

Các cổ đông HDBank thông qua phương án sáp nhập PGBank

Thứ hai, sáp nhập là phương án khả thi khi cổ đông lớn của PGBank là Petrolimex phải xây dựng lộ trình cụ thể để giảm tỷ lệ sở hữu tại PGBank theo chủ trương của Chính phủ.

Hiện Petrolimex là cổ đông lớn sở hữu 40% vốn điều lệ của PGBank. Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đã phê duyệt, Petrolimex phải thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào các ngành nghề theo chiến lược ban đầu.

Thứ ba, việc sáp nhập là một trong những nội dung đang được Chính phủ khuyến khích thực hiện cho công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, nhất là sau khi các ngân hàng trước đây tham gia sáp nhập đã bắt đầu làm ăn có lãi.

Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank cho rằng, HDBank đã ghi nhận những bước tăng trưởng tốt sau sáp nhập qua hai thương vụ mua lại Công ty Tài chính Societe Generale VietFinance (SVGF) trực thuộc Tập đoàn Societe Generale (Pháp) và Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Việc sáp nhập với PGBank từ thỏa thuận hợp tác chiến lược với Petrolimex có thể giúp HDBank hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, góp phần thực hiện sớm lộ trình chiến lược đến năm 2021 của Ngân hàng.

Thông qua sáp nhập, HDBank sẽ hoàn thiện thêm hệ sinh thái khách hàng của HDBank, từ hàng không đến viễn thông, điện lực, xăng dầu,… Bên cạnh đó, HDBank cũng có cơ hội cung cấp toàn bộ các dịch vụ tài chính cho nhân viên của Petrolimex; khai thác khoảng 2,500 điểm bán lẻ xăng dầu cùng khoảng 4,000 đại lý khắp cả nước của Tập đoàn.

* Cổ đông HDBank đồng ý sáp nhập PGBank, tỷ lệ hoán đổi 1:0.621

Thu Phong

FILI