Bloomberg: Trung Quốc đang nghiên cứu phương án phá giá Nhân dân tệ

Bloomberg: Trung Quốc đang nghiên cứu phương án phá giá Nhân dân tệ

Trung Quốc đang đánh giá tác động tiềm ẩn của việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) một cách từ từ, những người thân cận với nguồn tin cho biết, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc về các phương án lựa chọn của họ trong cuộc tranh luận thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang nghiên cứu một bài phân tích theo hai hướng về đồng NDT – vốn do Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị, nguồn tin trên cho hay. Phần thứ nhất của bài phân tích xem xét tới tác động của việc sử dụng đồng NDT như một công cụ trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, phần thứ hai xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phá giá đồng NDT để bù đắp cho tác động tiềm ẩn của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có khả năng kìm hãm xuất khẩu của nước này.

Bài phân tích trên không có nghĩa là các quan chức sẽ tiến hành phá giá tiền tệ – một quyết định cần có sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo hàng đầu, dựa trên nguồn tin ẩn danh. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không lập tức phản hồi về vấn đề này. Trong ngày thứ Hai (09/04), đồng NDT xóa sạch đà tăng đầu ngày và quay đầu giảm 0.1% xuống 6.311 đổi 1 USD tính tới lúc 15h32 giờ địa phương.

Mặc dù trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì đã giữ đồng nội tệ ở mức yếu, nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức, đồng NDT đã tăng gần 9% so với USD nhờ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định, Chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra và nỗi sợ về khủng hoảng tín dụng dịu bớt. Trong tháng trước, đồng NDT đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2015 và đã giữ ổn định trong vài tuần gần đây, bất chấp tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Nguồn: Bloomberg

Các thị trường khác cũng trở nên biến động mạnh khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đề xuất áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa của nhau, thậm chí ông Trump còn chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ cân nhắc áp thuế bổ sung 100 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc.

Chỉ số S&P 500 đã tụt dốc hơn 9% so với mức đỉnh trong năm 2018 được xác lập hồi tháng 1, trong khi chỉ số Shanghai Composite lao dốc 12% do lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng suy giảm so với mức đỉnh trong năm nay, khi nhà đầu tư dần chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn. Lợi suất và giá trái phiếu dịch chuyển ngược chiều nhau.

Mặc dù đồng NDT yếu hơn có thể hỗ trợ các ngành xuất khẩu của Trung Quốc khi Mỹ áp thuế nhập khẩu nhưng việc phá giá tiền tệ thường đi kèm với nhiều rủi ro. Phá giá tiền tệ sẽ tạo điều kiện để ông Trump gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”, đồng thời gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc để trả nợ nước ngoài và phá hoại nỗ lực gần đây của Chính phủ Trung Quốc trong việc tiến tới hệ thống tỷ giá được dẫn dắt bởi thị trường nhiều hơn.

Ngoài ra, phá giá tiền tệ còn khiến Trung Quốc gặp rủi ro thị trường tài chính trong nước biến động mạnh – một điều mà các cơ quan quản lý nước này đã cố gắng kìm hãm trong vài năm trở lại đây. Khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT khoảng 2% trong tháng 8/2015, thị trường toàn cầu đã chao đảo.

“Liệu họ có muốn phá giá đồng NDT? Điều đó rõ ràng là không khôn ngoan”, ông Kevin Lai, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Daiwa Capital Markets Hong Kong khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), cho hay. “Vì nếu họ sử dụng việc phá giá tiền tệ như một vũ khí thì nó có thể gây tổn thương cho Trung Quốc nhiều hơn cả Mỹ. Sự ổn định của đồng NDT đã giúp tạo ra sự ổn định về vĩ mô. Nếu điều đó không còn sẽ gây mất ổn định trên thị trường và tình hình sẽ giống với năm 2015”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi