Các nhà lãnh đạo tài chính trên thế giới nói gì về nền kinh tế toàn cầu?

Các nhà lãnh đạo tài chính trên thế giới nói gì về nền kinh tế toàn cầu?

“Tình hình đang tốt, nhưng dần trở nên rủi ro hơn”. Đây là cảm nhận riêng của ông David Lipton, Phó Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF, khi nói về tình hình của nền kinh tế toàn cầu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Ông David Lipton, Phó Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF

Quan điểm của ông cũng phần nào thể hiện tâm lý tại cuộc họp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington. Chính mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011 đã đem lại lý do để lạc quan về nền kinh tế toàn cầu, ngay cả khi nỗi lo sợ về chủ nghĩa thương mại đang bao trùm lên tất cả các cuộc thảo luận.

Mặc dù IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 3.9% trong năm nay và năm tới (dựa trên ước tính hồi tháng 1/2018), nhưng cơ quan này cũng nêu ra một vài điều cần phải lưu ý. Trong đó, mức nợ kỷ lục đang được xem là mối đe dọa đến tính ổn định tài chính, và các quan chức cũng lên tiếng cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ dần biến mất khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, các biện pháp kích thích tài khóa của Mỹ dần không còn có ảnh hưởng và đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc kéo dài.

Sau đây là những gì các quan chức đã bàn luận tại Washington.

Căng thẳng thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết ông đang cân nhắc đi một chuyến tới Trung Quốc và lạc quan một cách thận trọng rằng hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận nhằm tránh áp đặt các hàng rào thuế quan – vốn ngăn cản tăng trưởng. Dù vậy, các quan chức tham gia cuộc họp cho biết khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại vẫn còn là một trong những nỗi lo lớn nhất của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin

Một thông cáo chung từ ủy ban tư vấn chính của IMF đã thể hiện sự gia tăng của tâm lý bi quan kể từ cuộc họp tháng 10/2017 của nhóm này. Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, lên tiếng cảnh báo rằng niềm tin doanh nghiệp sẽ bị tác động nặng nề.

Bộ trưởng Ngân sách Philippines, Benjamin Diokno, thể hiện quan điểm rằng: “Tôi không biết ở đâu thì xung đột thương mại sẽ diễn ra một cách khá thẳng thắn. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cứ liên tục thay đổi ý định của mình”.

Các ngân hàng trung ương

Nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương lên tiếng cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại sẽ khiến họ lo ngại hơn về tình trạng giảm phát thay vì thúc đẩy lạm phát. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đe dọa áp thuế lên thép và nhôm, và áp thuế lên 150 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, những bất ổn về thương mại toàn cầu đang phủ một màn đen u tối lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng, Chủ tịch của NHTW Colombia, Juan Jose Echavarria, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Washington. “Đây sẽ là một thảm họa đối với tăng trưởng toàn cầu. Những gì chúng tôi rút ra được trong thập niên 30 là khi tất cả các quốc gia bắt đầu áp hàng rào thuế quan cao hơn thì các nền kinh tế bắt đầu đình trệ”.

Rủi ro tài chính

Trong lúc thương mại trở thành tâm điểm chú ý thì IMF cũng cảnh báo về các mối đe dọa tài chính. Cơ quan này cho biết các rủi ro tác động đến sự ổn định tài chính đã gia tăng trong 6 tháng vừa qua. “Các lỗ hổng tài chính – vốn đã tích lũy trong nhiều năm lãi suất và biến động cực thấp – có thể khiến đoạn đường sắp tới trở nên gồ ghề và lắm phần lắt léo, và có thể tác động nặng nề tới tăng trưởng kinh tế”, quỹ IMF cho hay.

Trong đó, IMF tỏ ra rất lo lắng rằng thị trường có thể đánh giá thấp rủi ro xảy ra cú sốc lạm phát ở Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang tăng cường kích thích tài khóa khi nền kinh tế đã ở gần hoặc tại mức toàn dụng nhân công (full employment). Sự gia tăng của lạm phát có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến – một động thái có thể gây rối loạn ở thị trường mới nổi. Ngoài ra, IMF cũng cảnh báo rằng nợ công và nợ tư nhân trên toàn cầu đã chạm mức kỷ lục 164 ngàn tỷ USD. Lãi suất ngày càng tăng sẽ thử thách khả năng trả nợ của những quốc gia đi vay.

Bài phát biểu của ông Mnuchin

Trong một bài phát biểu bất thường, ông Mnuchin lên tiếng thúc giục IMF giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế của thế giới, khi một quan chức của IMF cho rằng chính quyền Donald Trump sẽ giải quyết tình trạng trên sai cách. Ông Mnuchin cho hay tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu gần như cao hơn 33% so với thập niên 80 và 90 và vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp.

Các quốc gia với thặng dư nước ngoài kéo dài cần phải thực hiện vai trò của mình để tái cân bằng thương mại, còn IMF phải thể hiện tiếng nói của mình nhiều hơn, ông nói rõ.

“IMF phải bắt đầu hành động quyết liệt về vấn đề này, đồng thời đưa ra một tiếng nói dõng dạc hơn và liên tục nhắc nhỏ khi các thành viên duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô, tỷ giá và thương mại tạo điều kiện để giành lấy lợi thế cạnh tranh không công bằng hoặc dẫn tới tăng trưởng không cân bằng”, ông Mnuchin nhấn mạnh.

Công nghệ

Cuộc họp của IMF cũng phải vật lộn với sự thống trị của các ông lớn lĩnh vực trực tuyến như Amazon, Facebook và Google. Đây là một năm để tiến hành giám sát kỹ lưỡng hơn về các công ty công nghệ. Facebook đã hứng chịu chỉ trích vì đã để dữ liệu của hàng triệu người dùng bị rò rỉ. Trong khi đó, ông Trump lên tiếng chỉ trích Amazon vì không đóng đủ thuế và không trả đủ phí cho Dịch vụ Bưu chính Mỹ.

Bà Lagarde cho rằng việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay của một vài người là không hữu ích.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi