Chứng khoán châu Á trái chiều, Hang Seng giảm gần 500 điểm

Chứng khoán châu Á trái chiều, Hang Seng giảm gần 500 điểm

Thị trường chứng khoán châu Á khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai trong trạng thái trái chiều, khi nhà đầu tư cố gắng suy xét về tình trạng căng thẳng địa chính trịnh hiện tại sau vụ không kích Syria hồi tuần trước.

Ở Nhật Bản, Chỉ số Nikkei 225 tiến 56.79 điểm (tương ứng 0.26%) lên 21,835.53 điểm và chỉ số Topix cộng 0.4%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán giảm nhẹ, trong khi nhóm cổ phiếu tiện ích và dược lại góp phần nâng đỡ thị trường chung.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi khép lại phiên ngày thứ Hai với mức tăng 0.1% lên 2,457.49 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ diễn biến trái chiều, trong đó cổ phiếu Samsung Electronics tăng 1.08%. Còn nhóm cổ phiếu sản xuất công nghiệp phần lớn đều suy yếu.

Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 cộng 0.21% lên 5,841.3 điểm nhờ đà tăng từ lĩnh vực năng lượng và tiện ích.

Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 48.3 điểm (tương ứng 1.53%) xuống 3,110.75 điểm và Shenzhen Composite hạ 0.52% xuống 1,824.77 điểm. Nhóm cổ phiếu blue-chip CSI 300 lùi 1.6% khi các cổ phiếu bảo hiểm và ngân hàng suy giảm.

Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng lao dốc 492.79 điểm (tương ứng 1.6%) xuống 30,315.59 điểm, do đà suy giảm từ nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ. Các cổ phiếu bất động sản cũng trượt dốc, trong đó cổ phiếu China Evergrande tụt 5.3%.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0.69% tính tới lúc 15h03 (giờ HK/SIN).

Bất chấp diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á, các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tăng. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones tiến 83 điểm, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng khởi sắc.

Bất chấp vụ không kích vào Syria hồi cuối tuần trước, thị trường phần lớn vẫn khá bình yên.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới) dường như đã dịu bớt sau khi liên tục được nhắc tới trên các trang báo trong vài tuần gần đây.

“Có một số bằng chứng cho thấy cả hai bên đã bớt căng thẳng phần nào sau khi Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, lên tiếng ủng hộ thương mại tự do tại Diễn đàn Boao và ông Trump cũng thể hiện sự lạc quan rằng cả hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại”,  Zhu Huani, Chuyên gia kinh tế tại Mizuho Bank, cho biết trong một báo cáo.

Dù vậy, những vấn đề liên quan tới thương mại vẫn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sau khi tờ The Wall Street Journal ghi nhận trong tuần trước rằng ông Trump đang đe dọa ngăn chặn các khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc tại nước Mỹ.

Hôm thứ Sáu (13/04), Phố Wall giảm nhẹ mặc dù các ngân hàng lớn như Citigroup, Wells Fargo và J.P. Morgan Chase đưa ra kết quả quý 1/2018 vượt kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 122.91 điểm (tương đương 0.5%) xuống 24,360.14 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 7.69 điểm (tương đương 0.29%) xuống 2,656.3 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 33.60 điểm (tương đương 0.47%) còn 7,106.65 điểm.

Trên thị trường năng lượng, cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều sụt giảm sau khi ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017 trong ngày thứ Sáu (13/04).

Tính tới lúc 16h40 ngày thứ Hai (16/04 – giờ Việt Nam), hợp đồng dầu WTI mất 1.29% xuống 66.52 USD/thùng, sau khi leo dốc hơn 8% trong tuần trước. Hợp đồng dầu Brent tương lai cũng hạ 1.35% xuống 71.6 USD/thùng.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, dao động ở mức 89.747.

Trong ngày thứ Hai (16/04), cổ phiếu công ty nhôm của Nga, Rusal, lao dốc 28.92% tính tới lúc 15h01 (giờ HK/SIN), sau thông tin Mỹ đang chuẩn bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi