Đà tăng mạnh của giá hàng hóa chỉ mới bắt đầu?

Đà tăng mạnh của giá hàng hóa chỉ mới bắt đầu?

Các mối đe dọa từ khả năng xảy ra chiến tranh thương mại và các dấu hiệu duy trì tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra vô số cơ hội cho những người đầu tư vào hàng hóa.

Trên thực tế, tình trạng căng thẳng địa chính trị và biến động trên thị trường đã gây rất nhiều áp lực lên thị trường chứng khoán nhưng lại tác động tích cực tới thị trường hàng hóa. Trong vài năm vừa qua, thị trường hàng hóa có phần ảm đạm vì điều kiện kinh tế chậm chạp và những bất ổn về hoạt động giao dịch nói chung.

Một chỉ số hàng hóa phổ biến vừa chạm mức cao nhất trong 2 năm rưỡi và nhà đầu tư hàng hóa nhận thấy xu hướng tăng vẫn còn kéo dài.

Mike Wilkins, Chuyên gia hàng hóa tại Fidessa – một công ty cung cấp công nghệ giao dịch ở Luân Đôn, cho hay: “Bên cạnh những nhận định và những mối đe dọa về quân sự, thì vẫn còn có câu chuyện hấp dẫn về tăng trưởng và đà tăng liên tục của hàng hóa, nhất là các kim loại cơ bản”.

Nhóm hàng hóa đã tăng mạnh kể từ đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu hồi đầu tháng 2/2018. Chỉ số PowerShares DB Commodity Index Tracking đang tăng 9% so với thời điểm đầu tháng 2/2018 và vọt 16% trong 12 tháng vừa qua. Chỉ số CRB Commodity Index cũng chứng kiến đà tăng tương tự và hiện đang dao động ở mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2014.

Sự bùng nổ của giá hàng hóa mang lại tỷ suất sinh lợi cao cho các chuyên viên giao dịch (trader) và nhà đầu tư, nhưng cũng khiến giá tiêu dùng tăng cao, qua đó củng cố cho kỳ vọng lạm phát chuẩn bị tăng mạnh.

Ông hoàng trái phiếu Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital khởi đầu năm 2018 bằng dự báo rằng hàng hóa sẽ có thành quả vượt trội hơn cổ phiếu và cho đến nay, dự báo đó vẫn hợp lý.

Động lực mang lại đà tăng hiện tại cho hàng hóa xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó một số chuyên gia chỉ tới những xu hướng dài hạn của các yếu tố cơ bản thuộc nền kinh tế. Một yếu tố khác là khả năng xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc – một điều gần như là sẽ làm giới hạn dòng chảy toàn cầu và đẩy giá lên cao hơn.

Chẳng hạn, giá nhôm đã nhảy vọt sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên công ty Rusal của Nga – vốn là công ty có sản lượng nhôm lớn thứ hai trên toàn cầu.

Cùng lúc đó, giá đồng gần đây cũng chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư hy vọng rằng sự tăng trưởng đồng bộ của các nền kinh tế sẽ tiếp tục, và thị trường ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác vẫn tăng trưởng đều đặn khi sản lượng giảm mạnh và nông dân sửa sang lại đồ nghề để chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu lớn hơn trong tương lai.

“Giá hàng hóa khá ảm đạm trong 3 năm rưỡi vừa qua. Thị trường hàng hóa giảm là vì chúng ta phải đối mặt với mức sản lượng gần đạt kỷ lục hoặc đã đạt kỷ lục ở khắp nơi trên thế giới”, Mark Schultz, Chuyên gia phân tích hàng đầu tại Northstar Commodity, cho hay. “Điều đó giờ đã bị đảo ngược và nhà đầu tư sẽ bắt đầu chứng kiến mọi thứ dần tăng trở lại”.

Dĩ nhiên, lĩnh vực chiếm nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nhất vẫn là năng lượng, và giá dầu dạo gần đây tăng vô cùng mạnh.

Thậm chí, ngay cả khi hầu hết hàng hóa đều đi ngang hoặc giảm trong ngày thứ Năm (19/04) thì giá dầu vẫn tăng mạnh và hiện đang leo dốc gần 15% trong năm 2018. Chưa hết, nhu cầu xăng đạt kỷ lục mới cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

John Kilduff, đối tác sáng lập tại Again Capital, cho hay: “Giờ Ả-rập Xê-ut đang hành động rất quyết liệt và cố gắng đẩy giá dầu lên cao hơn”.

Một hàng hóa đáng chú ý khác là vàng.

Kim loại quý này đã trên đà tăng trong năm nay, tiến hơn 2.5% trước khi giảm bớt trong ngày thứ Năm (19/04), và được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát gia tăng. Lãi suất ngày càng cao thường gây tác động tiêu cực tới hoạt động giao dịch vàng, nhưng ở thời điểm này thì không.

“Thông thường, vàng và lạm phát thường dịch chuyển ngược chiều nhau. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng nhanh hơn lãi suất, qua đó khiến lợi suất thực của trái phiếu Chính phủ Mỹ suy giảm hoặc chuyển thành âm thì lúc đó vàng có thể thăng hoa”, Lindsey Bell, Chiến lược gia đầu tư tại CFRA, cho hay. “Đây là một ví dụ điển hình của vàng về phương diện lưu trữ giá trị”.

Cuối cùng là xuất hiện các mẫu hình giao dịch có ảnh hưởng tích cực tới giá hàng hóa.

Những nhà phân tích kỹ thuật xem xét diễn biến giá tài sản để tìm kiếm thông tin về những gì có thể xảy ra trong thời gian tới.

Paul Ciana, Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Bank of America Merrill Lynch, cho biết một số mẫu hình đang cho thấy giá hàng hóa vẫn còn khả năng tăng.

“Cho tới nay, đà tăng được dẫn dắt bởi năng lượng và kim loại, đà leo dốc của vàng và bạc vẫn còn khá ‘non’ trong khi dầu và đồng vẫn còn khả năng tăng giá”, ông Ciana cho hay trong một báo cáo nghiên cứu.

Ngoài ra, ông còn chỉ ra rằng hàng hóa thường có thành quả tốt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.

Fed đã nâng lãi suất 1 lần trong tháng 3/2018, và thị trường đang kỳ vọng sẽ có thêm ít nhất là 2 hoặc thậm chí là 3 lần nữa trong năm nay.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi