ĐHĐCĐ BIDV: Ghế Chủ tịch tiếp tục bỏ trống, một nhà đầu tư nước ngoài quan tâm “sâu sắc”

ĐHĐCĐ BIDV: Ghế Chủ tịch tiếp tục bỏ trống, một nhà đầu tư nước ngoài quan tâm “sâu sắc”

Bốn phương án tăng vốn năm 2017 được thông qua đều không thể thực hiện, HĐQT BIDV tiếp tục trình kế hoạch năm 2018 với mục tiêu tham vọng tăng vốn thêm 28%.

Bài toán tăng vốn điều lệ và công tác nhân sự, vốn là câu chuyện đưa ra liên tục những năm gần đây, vẫn là đề tài nóng tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) được tổ chức chiều ngày 21/4.

Theo Tổng giám đốc Phan Đức Tú, trong 3 năm gần nhất, HĐQT nhà băng này đều trình và được thông qua hàng loạt phương án tăng vốn nhưng kết quả thực tế đều không thành công. Năm 2017, BIDV dự kiến tăng vốn thông qua 4 phương án, bao gồm phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước, trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông nước ngoài. Tuy nhiên đến hết năm, cả 4 phương án này đều không thành công. Bản thân BIDV cũng phải thay đổi phương án trả cổ tức 2016 từ cổ phiếu sang tiền mặt, theo kiến nghị của Bộ Tài chính.

Vốn điều lệ tăng thêm quá ít, trong khi tỷ lệ an toàn vốn của BIDV đã gần chạm ngưỡng theo quy định của NHNN. Ngoài ra, thời gian áp dụng tiêu chuẩn quản trị theo Basel II đang đến gần cũng tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo.

Theo tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, HĐQT BIDV tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng tăng vốn thêm 28%, lên hơn 43,600 tỷ đồng. Trong đó, trọng tâm là phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV với quy mô 171 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ 171 triệu cổ phiếu và phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài hơn 600 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, so với những năm trước, phương án phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài đã có những bước tiến đáng kể. Theo Tổng giám đốc BIDV, hiện có hơn 20 nhà đầu tư là các quỹ đầu tư và các định chế tài chính lớn quan tâm đến việc mua cổ phần của Ngân hàng này. Trong đó, có một nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm sâu sắc.

"Từ tháng 4/2017, Ngân hàng và nhà đầu tư này đã trải qua nhiều vòng đám phán, về cơ bản đã đạt được một số thỏa thuận sơ bộ và phương án phát hành. Nếu được phê duyệt, BIDV và đối tác sẽ tiến tới bước cuối cùng là thảo luận mức giá chào bán kỳ vọng", Tổng giám đốc BIDV kỳ vọng việc phát hành sẽ hoàn thành ngay trong năm 2018.

Ngoài các phương án này, BIDV cũng để ngỏ khả năng thực hiện một số phương án tăng vốn khác như phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Đối với công tác nhân sự, phiên họp vừa tổ chức cũng đã thông qua việc bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng vào vị trí thành viên HĐQT của BIDV, đồng thời miễn nhiệm hai thành viên khác là ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên do đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Tùng nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trước khi sang VDB, ông từng có thời gian dài công tác tại BIDV. Ông Tùng bắt đầu làm ở BIDV từ năm 1996, đến giai đoạn 2006 đến 2010 ông giữ chức Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Từ tháng 10/2010 đến cuối tháng 5/2016, ông là Phó Tổng giám đốc BIDV kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty bảo hiểm BIC.

Tuy nhiên, chức danh Chủ tịch HĐQT của nhà băng này vẫn chưa được quyết định. BIDV khuyết vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Sau ngày ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được bầu phụ trách điều hành hoạt động của Ngân hàng. Theo đại diện BIDV, hiện nhà băng này chỉ có nhân sự phụ trách HĐQT và chưa có kế hoạch cho việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Về kế hoạch kinh doanh, BIDV đã trình và được thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 9,300 tỷ đồng, tăng 7.3%. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao, huy động vốn tăng 17%, cùng tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này đạt 8,665 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15%.

Tại thời điểm cuối năm 2017, BIDV đạt tổng tài sản hơn 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 19.5%, và cũng là ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Tín dụng và huy động trong năm 2017 chiếm 13.7% và 12.8% toàn thị trường. Với kết quả đạt được, nhà băng này cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương mức chia cổ tức cho năm 2016.

Nhã Tâm

FILI