Nhờ đâu VCF “lội ngược dòng” từ lỗ sang lãi lớn trong quý 1/2018?

Nhờ đâu VCF “lội ngược dòng” từ lỗ sang lãi lớn trong quý 1/2018?

Theo tiền lệ 4 năm trở lại đây, quý đầu tiên của năm thường là quý “hạ áp”, ghi nhận kết quả kinh doanh thấp nhất trong năm của Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF). Thậm chí quý 1 của năm 2016 và 2017, VCF đều ghi nhận lỗ. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi, 3 tháng năm 2018, VCF báo lãi ròng tới 146 tỷ đồng nhờ bán hàng qua Masan Consumer và chuyển đổi mô hình kinh doanh, EPS đạt 5,508 đồng.

Kết quả kinh doanh theo quý từ năm 2014
Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2018, doanh thu thuần trong quý của VCF đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với tăng doanh thu, chi phí cũng được tiết giảm mạnh: chi phí bán hàng giảm tới 90%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 64%.

Lợi nhuận sau thuế quý 1/2018, theo đó, ghi nhận hơn 146 tỷ đồng, “lội ngược dòng” so với con số lỗ gần 38 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và tương đương khoảng 30% kế hoạch năm.

Theo giải trình của Công ty, sự tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh là kết quả của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” sang “xây dựng thương hiệu” và việc thay đổi mô hình bán hàng, phân phối thông qua công ty mẹ là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).

Thứ nhất, về chuyển đổi mô hình bán hàng từ trực tiếp cho các nhà phân phối sang bán qua Masan Consumer, Ban lãnh đạo VCF trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 cho biết, VCF sẽ tận dụng tối đa kênh bán hàng chuyên biệt của Masan (MSN) cho từng ngành hàng, từ đó không còn phải lo các khoản chi phí bán hàng nữa. Từ đó, Công ty mạnh tay đặt kế hoạch lãi ròng tăng trưởng khá cao cho năm 2018, tăng khoảng từ 25-30% lên 450-500 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Nguyễn Tân Kỷ của VCF từng khẳng định, Công ty sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc chuyển đổi kênh phân phối. Masan Consumer có hệ thống phân phối mạnh với ngành hàng đa dạng và rộng rãi, nhờ đó tối ưu hoạt động bán hàng của VCF, trong khi lợi ích của cổ đông vẫn không đổi.

Được biết, tính đến cuối tháng 3/2018, giá trị hàng hóa mà VCF bán cho Masan Consumer đạt gần 470 tỷ đồng, gấp 8 lần so với giá trị bán hồi cuối tháng 3/2017 (60 tỷ đồng).

Giao dịch với các bên liên quan

BCTC Hợp nhất tài chính quý 1/2018

Thứ hai, về chuyển từ mô hình kinh doanh bán hàng thuần túy sang tập trung xây dựng thương hiệu, VCF đã bắt đầu thực hiện chiến lược này từ năm 2017. Cũng tại đại hội cổ đông 2018 vừa qua, ông Kỷ cho biết so với việc chỉ đẩy hàng hóa vào thị trường của mô hình bán hàng thuần túy, việc xây dựng thương hiệu sẽ làm tăng lợi ích của VCF khi người dùng tự tìm đến và tiêu thụ hàng hóa của Công ty.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, Ban lãnh đạo của VCF cho biết với chiến lược khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực café, VCF vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống và xây dựng thương hiệu. Nhìn chung, Ban lãnh đạo Công ty tự tin về viễn cảnh tươi sáng trong thời gian tới và kết quả kinh doanh quý 1/2018 dường như là một khởi đầu cho điều đó.

Cùng ngày VCF công bố BCTC quý 1/2018, giá cổ phiếu tăng kịch trần trong phiên 24/04, chốt phiên đạt gần 160,000 đồng/cp.

Thu Phong

FILI