Rớt thảm 11%, Việt Nam sẽ là TTCK có thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4?

Rớt thảm 11%, Việt Nam sẽ là TTCK có thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4?

Chứng khoán Việt Nam chuẩn bị ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong 7 năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từng được xem TTCK hàng đầu châu Á trong năm 2018, nay lại chuẩn bị ghi nhận thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4/2018.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (26/04), chỉ số VN-Index giảm tới 35.88 điểm (tương đương 3.32%) xuống còn 1,044.86 điểm, khi hoạt động giao dịch được tiếp tục trở lại sau một ngày nghỉ lễ hôm thứ Tư (25/04). Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán đổ bán tháo cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và nhanh chóng thoát khỏi một thị trường từng chạm tới mức kỷ lục vào thời điểm 2 tuần trước.

Đà bán tháo trong ngày 26/04 đã nâng tổng mức giảm trong tháng 4/2018 lên 11%, chuẩn bị ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong 7 năm. Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” hơn 15 tỷ USD.

“Có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trong ngày hôm nay và rõ ràng, thị trường đang trong xu hướng giảm và điều này thực sự đã khiến một số người bị ‘call margin”, ông Michel Tosto, Giám đốc điều hành khối Khách hàng tổ chức tại CTCK Bản Việt (VCSC), cho biết qua điện thoại.

Tính tới ngày 09/04, chỉ số VN-Index đã leo dốc 22% trong năm 2018, qua đó nới rộng đà nhảy vọt 48% trong năm ngoái. Lượng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 do bị thu hút bởi đà tăng nóng của giá cổ phiếu và chương trình tư nhân hóa của Chính phủ Việt Nam cũng dẫn tới việc hàng loạt công ty muốn khai thác thị trường vốn.

Khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, chỉ số VN-Index đã bước vào phạm vi điều chỉnh kỹ thuật vào đầu tuần này với mức giảm hơn 10% so với mức đỉnh xác lập ngày 09/04, trước khi nới rộng đà giảm trong ngày thứ Năm (26/04).

Sắp tới, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, OTC: TCB) chuẩn bị chào bán cổ phiếu với tổng trị giá có thể lên tới 21 ngàn tỷ đồng (tương ứng 922 triệu USD).

Các nỗ lực huy động vốn như thế này có thể khiến làn sóng bán tháo trở nên trầm trọng hơn, theo quan điểm của ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Phân tích của CTCK HSC.

“Làn sóng bán tháo trở nên nghiêm trọng hơn bởi nguồn cung cổ phiếu ngày càng gia tăng trong thị trường, do một số thương vụ lớn cộng với lập trường cẩn trọng của các nhà đầu tư nước ngoài", ông lý giải.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi