Thêm cơ sở để ổn định lãi suất

Thêm cơ sở để ổn định lãi suất

Thời gian gần đây nhiều ngân hàng có tín hiệu giảm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào và mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 lẫn thị trường trái phiếu liên tiếp giảm xuống. Đặc biệt với kết quả nền kinh tế đạt được trong quý 1 đầu năm nay cho thấy càng có thêm những cơ sở để ổn định lãi suất trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất

Vào những ngày cuối tháng 3, hàng loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất trải đều ở các kỳ hạn như VPBank, VIB, Techcombank, MBB, SHB,…Cụ thể như khung lãi suất tiền gửi tại VPBank trong tháng 3 đã giảm từ 0.2-0.5% so với thời điểm tháng 2 và giảm từ 0.3-0.6% so với thời điểm đầu năm nay. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở ngân hàng VIB khi khung lãi suất trong tháng 3 liên tiếp điều chỉnh giảm mạnh và so với đầu năm cũng giảm từ 0.2-0.5%.

Tại Techcombank, khung lãi suất cũng được điều chỉnh giảm từ 0.1-0.4% các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong khi SHB cũng giảm đều 0.2% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, còn MBB giảm từ 0.05-0.25% ở các kỳ hạn từ 6-9 tháng. Ngay cả NHTM Nhà nước là BIDV cũng đã có 2 lần điều chỉnh khung lãi suất huy động trong tháng 3, theo đó lần đầu giảm 0.2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lần hai điều chỉnh giảm 0.1% tiền gửi ở kỳ hạn 364 ngày và 13 tháng.

Thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ vào việc NHNN bơm mạnh tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ, trong khi dư nợ tăng chậm lại được xem là nguyên nhân chính giúp các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào. Đặc biệt với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và trái phiếu liên tiếp giảm về mức thấp đã khiến hoạt động kinh doanh trên 2 thị trường này giảm sức hấp dẫn, do đó làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Cần lưu ý rằng những ngân hàng như VIB, VPBank hay Techcombank thường có dư nợ cho vay tiêu dùng phát triển mạnh, tuy nhiên hoạt động này trong giai đoạn đầu năm thường tăng trưởng chậm và khách hàng có xu hướng trả nhiều hơn, trong khi những ngân hàng này gần đây cũng huy động vốn khá tốt bằng cách phát hành giấy tờ có giá cũng như nhận được những khoản tài trợ thương mại lớn từ các tổ chức quốc tế.

Thêm cơ sở để ổn định lãi suất

Ngoài những nguyên nhân trên, thì nền kinh tế hiện có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Đầu tiên là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 bất ngờ giảm trở lại sau 2 tháng đầu năm tăng cao, cộng thêm việc tỷ giá USD/VNĐ ổn định trở lại sau thời điểm tăng nhanh trong những ngày cuối tháng 3.

Việc thị trường ngoại hối được quản lý linh hoạt và kiểm soát theo mục tiêu được xem là yếu tố quan trọng giúp huy động vốn tiền đồng của các ngân hàng tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, theo đó kích thích người dân chuyển dịch nguồn vốn từ USD sang VNĐ để gửi ngân hàng nhằm sinh lời tốt hơn.

Theo số liệu mới cập nhật của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì huy động vốn của hệ thống TCTD trong quý 1 tăng 3%, trong đó huy động VNĐ tăng 3.7% và huy động ngoại tệ giảm 3.1%, theo đó tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động tiếp tục giảm từ 9.7% thời điểm cuối năm 2017 xuống còn 9.2% vào cuối tháng 3 năm nay, cho thấy xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì và do đó giúp nguồn vốn huy động bằng VNĐ của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ổn định - yếu tố quan trọng hỗ trợ lãi suất VNĐ.

Ngoài ra, với kết quả tăng trưởng GDP quý 1 cao kỷ lục 7.38% - mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm qua, thì mục tiêu tăng trưởng 6.7% trong năm nay trở nên dễ dàng hơn, do đó nhà điều hành có thể giảm nhu cầu kích thích tín dụng, thay vì phải đẩy mạnh mục tiêu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế như trong năm 2017. Trong bối cảnh áp lực lên mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giảm xuống, các ngân hàng cũng không cần thiết phải chạy đua huy động vốn bằng mọi giá để phục vụ cho mục tiêu phát triển tín dụng và đây là điều kiện cần thiết để mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định.

Cùng với đó, với kết quả tăng trưởng GDP tích cực ngay trong quý 1 cũng sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ giảm nhu cầu sử dụng chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng, từ đó giảm áp lực huy động vốn lên thị trường trái phiếu trong những tháng còn lại của năm nay. Khi đó, lãi suất đấu thầu trên thị trường trái phiếu có thể tiếp tục ở mức thấp, và đây cũng là cơ sở giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư ổn định. Đó là chưa nói đến việc Chính phủ cũng sẽ giảm áp lực giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, do đó nguồn vốn này có thể tiếp tục gửi tại hệ thống ngân hàng giúp thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào.

Đáng lưu ý là theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì thặng dư thương mại chính là yếu tố chính góp phần tăng trưởng quý 1 năm nay đạt mức cao. Theo đó xuất siêu hàng hóa trong quý 1 năm nay là 1.3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức nhập siêu đến 1.9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Và nếu như chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý 1 năm 2017 ở tình trạng nhập siêu làm giảm 4.42% của mức tăng trưởng chung thì con số xuất siêu trong quý 1 năm nay đã làm tăng 1.19% trong mức tăng trưởng chung.

Ngoài ra, theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan thì cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 đã được điều chỉnh tăng lên gần 2.7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 1.3 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê công bố trước đó (tính đến giữa tháng 3/2018), cho thấy khả năng cán cân thương mại còn đóng góp nhiều hơn vào con số tăng trưởng của quý 1 năm nay. Và nếu cán cân thương mại tiếp tục duy trì tích cực thì sẽ hỗ trợ đáng kể cho tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tới, từ đó sẽ giảm áp lực lên chính sách tài khóa và tiền tệ như đã nói.

Phan Thụy

FILI