Bloomberg: Vì sao MSCI vẫn giữ Việt Nam ở thị trường cận biên?

Bloomberg: Vì sao MSCI vẫn giữ Việt Nam ở thị trường cận biên?

TTCK Việt Nam không phải là sân chơi dành cho nhà đầu tư giá trị

Bất kỳ ai đến với khu đô thị sầm uất và nhộn nhịp, Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ ngập ngừng khi gọi Việt Nam là một thị trường cận biên (frontier market).  

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi MSCI nâng hạng thị trường Việt Nam lên số thị trường mới nổi. Xét cho cùng, ngay cả Argentina – nước đang cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng. Thậm chí, Việt Nam còn có thanh khoản tốt hơn cả Philippines – một thị trường đã nằm trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.

Hy vọng Việt Nam có thể sớm được nâng hạng lên “thị trường mới nổi” đã tạo cú huých đến thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành thị trường có thành quả tốt nhất châu Á trong năm 2017.

Tuy nhiên, MSCI vẫn có lý do để giữ Việt Nam trong phạm vi thị trường cận biên.

Lý do đầu tiên, thị trường chứng khoán này vẫn chưa sẵn sàng cho các công ty quản lý quỹ chủ động – vốn gặp khó khăn để đánh bại thị trường. Thu Nguyen, Giám đốc điều hành tại VinaCapital Group, muốn huy động 30 triệu USD cho một quỹ chuyên đầu tư vào các công ty vốn hóa nhỏ. Cô nói với các nhà đầu tư của mình đừng nhìn vào chỉ số.

Chỉ cần một vài động thái của một vài công ty cũng có thể làm chao đảo cả thị trường chung. 5 công ty lớn hiện nay đóng góp tới hơn 40% của chỉ số VN-Index, gồm CTCP Vinhomes (VHM: HOSE), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM: HOSE), Tập đoàn Vingroup (VIC: HOSE), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB: HOSE) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, GAS: HOSE).

Tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chào đón thành viên bluechip mới nhất: VHM.

Hiện nay, hình ảnh của Việt Nam tiếp tục bị “lu mờ" vì lẽ ra các đợt IPO lớn phải thúc đẩy chứ không phải nhấn chìm thị trường như thế này. Sabeco – có Thai Beverage Plc là cổ đông kiểm soát sau một thương vụ mua cổ phần trong năm 2017 – là một ví dụ khác.

Khi thông tin về đợt bán cổ phần Sabeco xuất hiện vào tháng 8/2017, cổ phiếu SAB bắt đầu leo dốc, chạm mức kỷ lục chỉ sau 3 tháng. Nhà đầu tư đua nhau mua vào và đẩy Sabeco lên vị trí công ty có vốn hóa cao thứ nhì trong các công ty thuộc VN-Index, với tỷ trọng là 8.6%.

Những nhà đầu tư giá trị cũng đối mặt với câu hỏi hóc búa. Rõ ràng, Sabeco đã bị đánh giá quá cao, nhưng việc bán tháo có thể kéo chỉ số VN-Index giảm mạnh.

Ví dụ kế tiếp là cổ phiếu của CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS). Tại mức đỉnh, ROS là công ty có vốn hóa cao thứ 6 trong chỉ số VN-Index với tỷ trọng 4.7%. Đó là trước khi cổ phiếu này lao dốc không phanh 55% kể từ tháng 1/2018, và từ đó cổ phiếu này cũng không còn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Khi ROS – vốn không được theo dõi bởi các chuyên gia phân tích – đang leo dốc chẳng vì lý do nào rõ ràng, liệu các nhà quản lý quỹ có nên rót tiền vào hay chơi một cách an toàn?

Với vai trò của một trung tâm sản xuất quan trọng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Tuy nhiên, với việc một vài công ty có khả năng làm chao đảo cả thị trường như thế này, thì TTCK Việt Nam không phải là nơi dành cho các nhà đầu tư giá trị.

* Bài viết thể hiện quan điểm của bình luận viên Shuli Ren trên Bloomberg Opinion

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi