Các ngân hàng Mỹ có quý bội thu nhất từ trước đến nay nhờ đợt cắt giảm thuế

Các ngân hàng Mỹ có quý bội thu nhất từ trước đến nay nhờ đợt cắt giảm thuế

Các ngân hàng Mỹ đang ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục ngay khi Quốc hội chuẩn bị nới lỏng quy định.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận ngân hàng Mỹ nhảy vọt 28% lên 56 tỷ USD, dựa trên số liệu thống kê từ Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) trong ngày thứ Ba (22/05).

Nhờ các đợt cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nền kinh tế khỏe mạnh, lợi nhuận khổng lồ quý 1/2018 của các ngân hàng dễ dàng vượt qua mức kỷ lục được xác lập từ 3 quý trước.

Kết quả lạc quan trên được công bố vài giờ trước khi Hạ viện Mỹ công quyết định về quy định Dodd-Frank – một quy định được áp lên cộng đồng ngân hàng và những tổ chức cho vay địa phương nhằm ngăn chặn xuất hiện thêm một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Mặc dù giới ngân hàng than vãn về quy định quá mức, nhưng báo cáo của FDIC cho thấy lợi nhuận của ngành ngân hàng không hề suy giảm vì quy định.

Luật cải cách Dodd-Frank được ký kết vào tháng 7/2010 bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Kể từ đó, lợi nhuận ngân hàng đã nhảy vọt 135% khi nền kinh tế Mỹ hồi phục trở lại từ cuộc Đại Suy thoái.

Với sự thúc giục từ các nhà điều hành, các ngân hàng Mỹ đã xây dựng một quỹ dự trữ cho những ngày túng thiếu. Hiện ngành ngân hàng có gần 2 ngàn tỷ USD vốn có thể giúp vượt qua cơn bão kế tiếp. Phố Wall cho rằng việc nới lỏng quy định sẽ cho phép các ngân hàng trả lại một phần tiền mặt cho cổ đông.

FDIC cho biết 70% trong số 5,606 ngân hàng Mỹ đều có lợi nhuận gia tăng trong quý 1/2018. Tỷ lệ ngân hàng thua lỗ chỉ còn 3.9%. Danh sách các ngân hàng có vấn đề của FDIC chỉ vỏn vẹn 92 ngân hàng, mức thấp nhất kể từ quý 1/2008.

Ngành ngân hàng có siêu lợi nhuận nhờ đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump. FDIC cho biết, việc giảm thuế đã thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng thêm 6.7 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù không có đợt giảm thuế, các ngân hàng vẫn đạt được mức lợi nhuận kỷ lục là 49.4 tỷ USD.

“Cuộc cải cách thuế cho phép ngành ngân hàng vốn đã mạnh nay còn mạnh hơn”, James Chessen, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), cho biết trong một tuyên bố.

Việc phần lớn khoản lợi nhuận khổng lồ của ngành ngân hàng đến từ những ông lớn trên Phố Wall cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhờ các đợt cắt giảm thuế, các ông lớn trong giới ngân hàng ghi nhận lợi nhuận khổng lồ trong quý 1/2018.

Cả Morgan Stanley và Bank of America đều công bố lợi nhuận đạt mức kỷ lục trong quý 1/2018, còn thước đo tỷ suất sinh lời của Goldman Sachs thì lên mức cao nhất trong 5 năm.

Ấn tượng hơn cả, JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất tại Mỹ – tạo ra 8.7 tỷ USD trong quý 1/2018, mức lợi nhuận quý lớn nhất từ trước đến nay.

Dù vậy, hoạt động cho vay vẫn chưa thực sự lạc quan đối với các ngân hàng lớn hơn, mặc dù nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được cải thiện. FDIC cho biết khoản cho vay thương mại và công nghiệp tăng 1.9% trong quý trước, trong khi khoản cho vay cho người không cư trú ở Mỹ đó chỉ tăng 0.8%. Bên cạnh đó, khoản cho vay thế chấp chỉ nhích nhẹ 0.4%.

“Tăng trưởng cho vay vẫn rất ảm đạm”, Brian Gardner, Chuyên gia phân tích chính sách Washington tại ngân hàng đầu tư KBW, cho hay. Theo ông Gardner, điều này là do nhu cầu đi vay yếu ớt và áp lực pháp lý.

Ông Gardner nhận định: “Các cơ quan quản lý giám sát các ngân hàng với tâm thái cảnh giác cao độ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính”.

Dù vậy, Chủ tịch của FDIC, Martin Gruenberg, lên tiếng cảnh báo các ngân hàng không nên liều lĩnh chỉ vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt tại thời điểm này.

“Khi quá trình tăng trưởng hiện tại bước sang giai đoạn sau, ngành ngân hàng cần được chuẩn bị để xoay sở trước đợt suy thoái không thể tránh khỏi với mục tiêu tránh gây ra sự xáo trộn trong hệ thống tài chính”,  

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi