Dầu diễn biến trái chiều chờ dữ liệu về nguồn cung

Dầu diễn biến trái chiều chờ dữ liệu về nguồn cung

Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Ba (23/05), trong đó hợp đồng dầu Brent ghi nhận đỉnh 3 năm rưỡi mới còn hợp đồng dầu WTI lại giảm nhẹ, khi nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng ảnh hưởng của những diễn biến liên quan đến vấn đề Iran và Venezuela đối với triển vọng sản lượng dầu thô nội địa, MarketWatch đưa tin.

Bên cạnh đó, các hợp đồng khí thiên nhiên tương lai vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 1/2018, trước khi mùa hè bắt đầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 11 xu (tương đương gần 0.2%) xuống 72.13 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn khi khép phiên. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 7 tiến 15 xu (tương đương 0.2%) lên 72.20 USD/thùng.

Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn cộng 35 xu (tương đương 0.4%) lên 79.57 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất mới kể từ cuối tháng 11/2014. Hợp đồng này đã dao động tại mức cao nhất trong phiên là 80.49 USD/thùng.

Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, nhận định: “Các yếu tố chính trị liên quan đến Iran và Venezuela đang chi phối giá dầu, cùng với các yếu tố kỹ thuật như dầu Brent chạm ngưỡng 80 USD/thùng. Điều này có thể thay đổi trong 24 giờ tiếp theo, khi dữ liệu định kỳ về dự trữ xăng dầu được Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố vào ngày thứ Ba, còn báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố vào ngày thứ Tư”.

Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts dự báo dự trữ dầu thô sụt 1.7 triệu thùng, còn dự trữ xăng mất 620,000 thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1 triệu thùng.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã đưa ra một loạt những yêu sách mà Iran phải đáp ứng trước khi Mỹ bắt đầu một thỏa thuận hạt nhân mới với nước này. Washington đe dọa các lệnh trừng phạt sẽ mạnh nhất trong lịch sử nếu Iran không đáp ứng những yêu cầu của Mỹ.

Các nhà phân tích ước tính kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran có thể mất từ 400,000 thùng đến 1 triệu thùng.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Venezuela sau cuộc bầu cử hồi cuối tuần qua có thể làm gia tăng lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu, góp phần vào những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters trong ngày thứ Ba cho biết rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể tăng sản lượng dầu trong tháng 6 vì lo ngại về sản lượng của Venezuela cùng với khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu ở Iran.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 6 tiến 0.6% lên 2.270 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 cộng 0.3% lên 2.280 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 vọt 3.5% lên 2.908 USD/MMBtu, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31/01/2018.

An Trần

Fili