ĐHĐCĐ GMD: Khó thoái vốn cao su, sẽ không để cổ phiếu “hữu xạ tự nhiên hương” nữa

ĐHĐCĐ GMD: Khó thoái vốn cao su, sẽ không để cổ phiếu “hữu xạ tự nhiên hương” nữa

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 được tổ chức ngày 30/05/2018, HĐQT cùng Ban điều hành của CTCP Gemadept (HOSE: GMD) đã có nhiều chia sẻ với cổ đông về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2018 cũng như giá cổ phiếu.

Cổ đông lo ngại dự án Gemalink gánh chi phí lãi vay lớn mà không hiệu quả

Với kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng đẩy mạnh các hoạt động cốt lõi, phát triển thêm dịch vụ, thị trường mới thông qua hợp tác với đối tác chiến lược, Ban lãnh đạo GMD cho biết, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận của hoạt động logistics và khai thác cảng tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm tới.

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của GMD.

Xác định là năm có ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2016-2020, năm 2018, bên cạnh việc hoàn thành và đưa một số dự án vào sử dụng, GMD còn chuẩn bị các bước cần thiết để khởi động dự án Gemalink và dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2.

Về hoạt động tái cấu trúc, GMD sẽ hoàn tất chuyển nhượng một phần vốn của Gemadept Shipping Holding, Gemadept Logistic Holding và phần vốn sở hữu trong GMD Hoa Sen.

Trao đổi với cổ đông, đại diện GMD cho biết, Gemadept Shipping và Gemadept Logistic tiếp tục định hướng tăng trưởng với sự tham gia hợp tác của CJ. Đơn vị này sẽ thực hiện một số thay đổi như phạm vi hoạt động sẽ được triển khai ra toàn cầu, điển hình là dịch vụ thương mại điện tử. Đồng thời, các lĩnh vực nông nghiệp, sinh học của CJ sẽ giúp GMD phát triển thêm hoạt động nội thủy.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, GMD sẽ tập trung nâng cao hiệu quả khai thác tại các đơn vị sản xuất đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận như Cảng Phước Long, Cảng Bình Dương, Cảng Dung Quất, Cảng Nam Hải, Cảng Nam Hải Đình Vũ... Song song đó, Công ty lên kế hoạch để tái khởi động dự án Gemalink và triển khai giai đoạn 2 của Cảng Nam Đình Vũ.

Trước lo ngại chi phí lãi vay lớn mà không hiệu quả của dự án Gemalink, Ban điều hành GMD cho biết, ở khu vực Cái Mép nhiều cảng được xây dựng lên nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu để có thể nhận tàu. Dẫn tới công suất hoạt động đang lên tới 87% ở khu vực này và đang trong tình trạng tắc nghẽn. Từ luận điểm trên, Ban điều hành khẳng định việc xây dựng cảng Gemalink là hết sức cấp thiết.

Ngoài ra, Ban Lãnh đạo GMD cho biết, hiện tỷ lệ vốn vay/chủ sở hữu đang duy trì ở mức 40/60, ứng với 2,018 tỷ đồng vay nợ (hoàn toàn là trong nước).

Khó thoái vốn cao su, lợi nhuận lớn từ “sang tay” mảng bất động sản

Trong năm 2018, GMD đặt mục tiêu doanh thu đạt 2,405 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Nguyên nhân đặt kế hoạch giảm là do từ tháng 2 trở đi, Công ty sẽ không còn hợp nhất doanh thu của Gemadept Shipping và Gemadept Logistic sau khi hai công ty này trở thành liên kết.

Về lợi nhuận trước thuế, chỉ tiêu đạt 2,130 tỷ đồng, tăng 227% năm trước. Trong đó, phần chuyển nhượng vốn 2 công ty con và Hoa Sen Gemadept chiếm 1,560 tỷ đồng. Tính riêng phần sản xuất kinh doanh chính, GMD đặt kế hoạch lãi trước thuế 570 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước.

Trong quý 1, GMD đạt doanh thu 689 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,507 tỷ đồng do ghi nhận bất thường từ việc bán vốn công ty con. Nếu tính riêng phần sản xuất kinh doanh thông thường, GMD đạt lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng của hoạt động khai thác cảng và các công ty logistics còn lại.

Sản lượng hàng hóa thông qua trong quý 1/2018 ở mức trên 20%. Ban điều hành cho biết, sản lượng hàng thông qua trong quý 1 thường thấp do đợt nghỉ tết kéo dài nhưng chỉ tiêu này sẽ tăng dần về cuối năm. Mặt khác, vẫn có một số cảng của Công ty đang ở tình trạng quá tải.

Trao đổi về kế hoạch thoái vốn khỏi mảng kinh doanh cao su và bất động sản, ông Đỗ Văn Minh – Tổng Giám đốc cho biết, hiện mảng cao su đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn, kỳ vọng tình hình giá dầu biến chuyển tốt sẽ tạo điều kiện cho việc này. Mảng cao su của GMD hiện có giá trị khoảng 80 triệu USD với mức chi phí quản lý doanh nghiệp không được vốn hóa hàng năm khoảng 10 tỷ đồng.

Còn về mảng bất động sản, hiện tại, Công ty đang đàm phán cùng với một số nhà đầu tư, dự kiến thương vụ thoái vốn này sẽ đem lại lợi nhuận lớn.

“Gà đẻ trứng vàng” SCSC, sẽ không để cổ phiếu GMD “hữu xạ tự nhiên hương” nữa

Sau khi đưa CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) lên sàn UPCoM, Công ty tiếp tục lên lộ trình niêm yết các công ty con như Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ, Nam Đình Vũ,…

Về phần SCSC, là một công ty có vai trò quan trọng đối với hoạt động, GMD khẳng định sau khi có được thị phần lớn và vị thế tại khu vực, Công ty đang nghiên cứu tham gia vào dự án Long Thành và sau đó là Cam Ranh, Hải Phòng, Hà Nội để gia tăng hiệu quả. Trả lời câu hỏi về việc có thoái 32.89% đang nắm giữ tại SCSC hay không? Ban điều hành cho biết GMD sẽ xem xét khi có điều kiện thuận lợi.

Diễn biến giá cổ phiếu GMD năm vừa qua

Trước đà giảm mạnh của cổ phiếu GMD khiến nhiều cổ đông băn khoăn, ông Đỗ Văn Minh phân trần rằng, trước giờ GMD chỉ hoạt động theo hướng tâm niệm “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, trong năm tới, GMD sẽ đẩy mạnh hoạt động IR để có thể tiếp cận nhà đầu tư nhiều hơn với kỳ vọng đẩy giá cổ phiếu trên sàn.

Song song đó, với việc ĐHĐCĐ thông qua nới room ngoại lên 49% và cổ đông nước ngoài thoái 6% vốn thì room ngoại tại GMD cũng đang trống tương ứng. Ban điều hành cho rằng đây cũng là điều kiện thuận lợi đẩy giá cổ phiếu GMD. Ông Minh cũng chia sẻ, hiện tại thị trường chung khá yếu, theo các chuyên gia VN-Index lên 1,200 điểm thì cổ phiếu GMD đâu đó khoảng 37,000 đồng/cp.

Về kế hoạch cổ tức, năm 2017, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện tỷ lệ 15%.

Hiện tại, GMD chưa có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Chí Kiên

FILI