Suy thoái kinh tế của Eurozone có thể không phải là tạm thời?

Suy thoái kinh tế của Eurozone có thể không phải là tạm thời?

Suy thoái kinh tế của châu Âu đã đến nhanh hơn kỳ vọng ​​và có thể trở thành một vấn đề lâu dài, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo.

Peter Praet cho rằng thời tiết lạnh và thời điểm lễ Phục sinh năm nay có thể đã cản trở sự tăng trưởng kinh tế trong ba tháng đầu năm.

Tuy nhiên, cũng có thể khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) có năng lực sản xuất thấp hơn so với hy vọng trước đó, nghĩa là sự tăng trưởng mà khu vực này bất chợt có được hồi năm ngoái là điều chỉ xảy ra một lần.

“Một sự giảm tốc từ tỷ lệ tăng trưởng đặc biệt cao được thấy trong nửa cuối năm 2017 là điều đã được dự báo trước đó. Tuy nhiên, sự suy giảm đã đến sớm hơn dự đoán”, ông Praet nói.

“Các yếu tố tạm thời có thể đã đóng vai trò trong sự suy giảm tổng thể ở các chỉ dấu kinh tế gần đây. Những yếu tố ngoại lệ này bao gồm điều kiện thời tiết lạnh, bệnh cúm, thời gian diễn ra lễ Phục sinh, các kỳ nghỉ của học sinh, và các cuộc đình công ở một số quốc gia”.

Những yếu tố đó đã có thể ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến ngành xây dựng và bán lẻ, trong khi “những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể làm giảm tâm lý và kỳ vọng trong kinh doanh”.

Tăng trưởng GDP đã giảm xuống còn 0,4% trong quý đầu tiên, gần phân nửa so với mức 0,7% trong ba quý trước đó.

Tuy vậy, cũng có thể có những vấn đề về cấu trúc, cho thấy sự chậm lại này có thể không phải là một vấn đề tạm thời.

"Sự sụt giảm gần đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy các điều kiện ràng buộc từ phía cung đang trở nên ngày càng khắt khe, dù chỉ diễn ra ở một số lĩnh vực và ở một số nước", ông Praet nói.

"Ví dụ, trong lĩnh vực hàng hóa vốn, sử dụng năng lực và thời gian giao hàng cung cấp/tồn đọng đang ở mức cao nhất mọi thời đại, trong khi ở ngành xây dựng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chỉ ra rằng sự thiếu hụt lao động đang hạn chế việc sản xuất của họ".

Sự tăng trưởng đột ngột hồi năm ngoái đã giúp cho tỷ lệ thất nghiệp sụt giảm mạnh – số người thất nghiệp hiện giảm 7.8 triệu so với mức đỉnh hồi năm 2013.

"Điều này ngụ ý rằng tất cả các trường hợp mất việc được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng đã kiếm được việc làm trở lại", ông nói.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bảo Đức, nền kinh tế lớn nhất của Eurozone, chi nhiều tiền hơn cho các khoản đầu tư như cơ sở hạ tầng – điều sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

“Trong một môi trường nhân khẩu học không thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và đầu tư sẽ làm tăng tiềm năng tăng trưởng dài hạn và giảm thặng dư tài khoản vãng lai lớn một cách liên tục”, IMF cho biết.

Điều này sẽ mang tính tích cực cho toàn Eurozone, và cũng chuẩn bị cho Đức về những ảnh hưởng của dân số đang già hóa của họ.

Nâng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực lâu dài bằng cách giữ cho nhiều người tiếp tục làm việc hơn và cắt giảm tăng trưởng trong hóa đơn trợ cấp hưu trí.

Nhã Thanh (Theo Telegraph)

FiLi