Trung Quốc đang ngồi trên đống dự trữ 3 ngàn tỷ USD, nhưng liệu có đủ?

Trung Quốc đang ngồi trên đống dự trữ 3 ngàn tỷ USD, nhưng liệu có đủ?

Với việc ngày càng có nhiều câu hỏi về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, thì vấn đề đang thu hút nhiều chú ý của công chúng là liệu lượng dự trữ ngoại tệ đó của Trung Quốc có đủ không? Vì sở hữu gần như tất cả ngân hàng, nên về cơ bản, Chính phủ Trung Quốc là nơi chịu trách nhiệm cho các khoản nợ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Kết quả là, dự trữ chính thức của Trung Quốc là một sự bảo vệ không chỉ cho đồng tiền của nước này mà còn cho toàn bộ hệ thống tài chính của họ.

Trung Quốc từ lâu đã là nhà vô địch về tích trữ tiền tệ của thế giới, khi liên tục nắm giữ hơn 3 ngàn tỷ USD dự trữ kể từ năm 2010 (con số mới nhất là 3.133 tỷ USD). Nghe có vẻ rất nhiều, và quả đúng là thế, nhưng so với nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc, con số đó hiện chiếm chưa đến 30% GDP của họ.

Tỷ lệ dự trữ của Trung Quốc đã giảm từ 47.6% GDP năm 2010 xuống còn 28.7% trong năm 2017. Mỉa mai thay, phần lớn mức giảm đó là một triệu chứng của thành công kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc thực sự tăng dự trữ lên 18% bằng đồng USD kể từ năm 2010, nhưng GDP danh nghĩa của họ đã tăng gần gấp đôi trong cùng thời kỳ.

Dự trữ trang trải cho những gì?

Trong những trường hợp bình thường, dự trữ tiền tệ khoảng 25-30% GDP sẽ đủ để đáp ứng bất kỳ tình huống bất ngờ nào. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng đến Hàn Quốc vào năm 1997, dự trữ của họ chỉ là 3.7% GDP. Không giống như Hàn Quốc, Trung Quốc hiện không có nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ.

Thật vậy, dự trữ của Trung Quốc “hơn cả đủ” để vượt qua 3 trong số 4 bài kiểm tra do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhằm đánh giá tính đầy đủ của dự trữ. Bài kiểm tra duy nhất của IMF mà Trung Quốc thất bại là khả năng cung cấp 20% nguồn cung tiền rộng (M2). Vào cuối năm 2017, dự trữ của Trung Quốc chỉ đạt 13.1% M2.

Thông thường, không vượt qua bài kiểm tra M2 không được coi là vấn đề lớn. Trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, Hàn Quốc và Việt Nam đều thất bại trong bài kiểm tra này với tỷ lệ tương tự như Trung Quốc. Tuy vậy, cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam đều không đang ở trong tình trạng bong bóng tín dụng khổng lồ.

Bong bóng?

Ngay cả Chính phủ và các cố vấn hàng đầu của Trung Quốc cũng đồng ý như vậy. Nguồn cung tiền rộng của Trung Quốc đã đạt khoảng 300% GDP, tỷ lệ nợ cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hồng Kông, vốn cũng là một phần của Trung Quốc. Và vì “ngân hàng bóng tối” bị siết chặt, nên các bong bóng khác đang phình lên.

Nếu Trung Quốc gặp phải những vấn đề về tiền tệ, thì chúng sẽ không giống như một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán theo kiểu Mỹ La-tin. Với thặng dư thương mại khổng lồ là 422.5 tỷ USD năm 2017, Trung Quốc sẽ luôn có tiền để trả cho hàng nhập khẩu. Rủi ro của Trung Quốc là rủi ro tín dụng, và vì Chính phủ nước này là chủ sở hữu cuối cùng của gần như tất cả các khoản nợ, nên điều đó làm cho rủi ro này trở thành “rủi ro bị Chính phủ từ chối trả nợ”. 

Chính phủ Trung Quốc hiện vay rất ít ở nước ngoài, và không giống như Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng đồng Euro năm 2010, họ đang quản lý tiền tệ của chính họ. Tuy nhiên, họ có thể phải phá giá động nội tệ để giữ cho nền kinh tế phát triển. Bị bao vây bởi đồng Euro, Hy Lạp đã không thể làm điều đó, còn Trung Quốc hiện không phải đối mặt với những hạn chế như vậy.

Tiền tệ hay kinh tế?

Lần phá giá lớn cuối cùng của đồng Nhân dân tệ  là vào ngày đầu năm 1994. Điều đó xảy ra vào thời điểm Chính phủ thiết lập tỷ giá hối đoái, khi họ ấn định lại hầu hết mọi thứ khác trong nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay cởi mở hơn nhiều, và sự phá giá chính thức ít có khả năng xảy ra hơn nhiều.

Tuy vậy, nếu Chính phủ Trung Quốc đối mặt với sự lựa chọn giữa một điều chỉnh kinh tế “đau đớn” (chẳng hạn như trong thời gian đó, họ phải bán dự trữ tiền tệ để trả nợ) và để cho đồng Nhân dân tệ mất giá trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế được “tấp nập”, thì đừng kỳ vọng Trung Quốc sẽ dành nguồn dự trữ tiền tệ để bảo vệ đồng Nhân dân tệ.

Đối với bất kỳ người bình thường nào, 3 ngàn tỷ USD nghe như một số tiền “khủng”. Nhưng nếu bong bóng nổ tung trong một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, thì tiền càng tan biến nhanh. Quan trọng hơn là, Trung Quốc sẽ có ít động cơ để bảo vệ đồng Nhân dân tệ trong trường hợp vỡ bong bóng. Cách dễ nhất để làm giảm giá trị (thực) của tài sản ở Trung Quốc sẽ là để cho đồng tiền này nhận sự rớt giá.

Nhã Thanh

FILI