Bàn tay quyền lực trong thương vụ VC3 thâu tóm KPF là ai?

Bàn tay quyền lực trong thương vụ VC3 thâu tóm KPF là ai?

Bỗng nhiên xuất hiện và nhanh chóng thâu tóm KPF, sau đó bán Đầu tư Cam Lâm cho KPF, gần đây nhất thông tin ông Vũ Đức Toàn sẽ bán KPF cho VC3 - nơi ông vừa lên chức Chủ tịch, khiến nước cờ của “bàn tay quyền lực này” đang dần lộ diện.

* VC3 muốn thâu tóm “siêu cổ phiếu” KPF

Cơ cấu sở hữu của nhóm ông Vũ Đức Toàn với các công ty vệ tinh
* Màu đỏ: Sắp giao dịch

CTCP Xây dựng Số 3 (HNX: VC3) vừa quyết định tăng sở hữu nhằm chi phối CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF). Theo lý do mà VC3 đưa ra, xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, VC3 muốn nhận chuyển nhượng KPF để sở hữu đến 51% vốn mà không phải chào mua công khai. Số cổ phiếu dự kiến mua là hơn 8.75 triệu cp, giá mua theo kết quả định giá phù hợp với biên độ dao động tại ngày giao dịch. Tổng giá trị dự kiến mua không quá 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo kiểm toán 2017 của VC3, tức không quá 262 tỷ đồng. Phương thức giao dịch là thỏa thuận hoặc khớp lệnh với cổ đông nội bộ và các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu KPF.

Hiện cổ phiếu KPF đang giao dịch quanh mức 31,000 đồng/cp, như vậy với hạn mức không quá 262 tỷ đồng thì khả năng VC3 sẽ mua lại số cổ phiếu ở mức thị giá này.

Theo đó, danh sách cổ đông nội bộ sẽ chuyển nhượng số cổ phiếu KPF cũng vừa được hé lộ và không ai khác chính là dàn điều hành của chính VC3 gồm Chủ tịch Vũ Đức Toàn (25%) và hai Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quỳnh (17%) và Nguyễn Hoài Anh (17%).

Điều đáng nói, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Hoài Anh lại vừa được bầu vào HĐQT KPF ngay hồi tháng 1/2018 trong đợt thay máu hầu hết dàn lãnh đạo từ Chủ tịch, Thành viên HĐQT, Giám đốc, Phó Giám đốc cho đến Kế toán trưởng. Thay vào đó, ông Kiều Xuân Nam được bầu bổ sung và giữ chức tân Chủ tịch KPF.

KPF – Vừa lên sàn đã bị thâu tóm và mối “lương duyên” với Đầu tư Cam Lâm

KPF được thành lập tháng 6/2009 với tên gọi ban đầu là CTCP Tư vấn Dự án Quốc tế KPF với vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của KPF chính là ông Đoàn Minh Tuấn (70%), Nguyễn Thế Anh (15%) và Nguyễn Thanh Hoa (15%). Đến thời điểm lên sàn, tháng 9/2015, cổ đông lớn của KPF giảm xuống còn ông Đoàn Minh Tuấn (18%) và bà Nguyễn Thanh Hoa (7%).

Ngay từ những ngày đầu thành lập, KPF xác định tầm nhìn chiến lược là phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn của Công ty khi quyết định dịch chuyển từ tư vấn sang cung ứng vật liệu xây dựng. Theo đó, từ năm 2010-2017, KPF duy trì hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là khai thác cát sông Hồng, phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là góp vốn đầu tư bất động sản. Khi đó, KPF đã góp hơn 126 tỷ đồng vào 3 công ty liên kết là Phú Gia, Hà Nam và Tam Hà để nắm giữ từ 27% đến 49% vốn.

Đến tháng 3/2016, KPF chính thức niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 12,600 đồng/cp. Nhưng đến nay đã đạt mức 30,000 đồng/cp, thậm chí có lúc lên gần 43,000 đồng/cp.

Biến động cổ phiếu KPF từ khi niêm yết đến nay

Trong kế hoạch 2017-2018, KPF cho biết sẽ tìm kiếm các cơ hội M&A doanh nghiệp có nền tảng tốt và phù hợp. Vậy nhưng chưa kịp đi thâu tóm thì chính KPF đã bị thâu tóm nhanh chóng bởi nhóm ông Vũ Đức Toàn vào tháng 11/2017. Đó cũng là giai đoạn cổ phiếu KPF được giao dịch rất sôi động bởi sự ra đi của cổ đông nội bộ và sự lấn át ngày càng lớn của nhóm ông Vũ Đức Toàn.

Có lẽ nhìn thấy được tiềm năng tăng trưởng của KPF cũng như những chỉ số tài chính lành mạnh khi vay nợ ít, vòng quay hàng tồn kho khá tốt... cho thấy sản phẩm được khách hàng tin dùng trên thị trường mà nhóm ông Vũ Đức Toàn đã nhắm vào đơn vị này!?.

Ngay sau khi nắm giữ chi phối, HĐQT KPF đã có nhiều thay đổi trong định hướng phát triển của Công ty bằng việc quản trị theo mô hình tập đoàn. Đầu tiên là thoái vốn khỏi những lĩnh vực nông nghiệp như tại Đầu tư Tam Hà, Phú Giá Hà Nam, Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam và CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia. Tiếp theo đó, định hướng năm 2018 là tìm kiếm góp vốn hoặc M&A các công ty có tiềm lực để triển khai các dự án lớn về bất động sản, khu nghỉ dưỡng...

Để phục vụ cho việc đầu tư các dự án và bổ sung vốn, trong năm nay KPF đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi nhằm huy động tối đa 500 tỷ đồng. Đồng thời con số tài chính mà KPF đưa ra trong năm 2018 rất đột biến với doanh thu tăng vọt 880% để lên mức 972 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 96.4 tỷ đồng, tăng trưởng tới 489% so với năm 2017.

Riêng trong quý 1/2018, KPF đã thực hiện được hơn 231 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp gần 19 lần cùng kỳ nhờ hợp nhất Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Kéo theo lợi nhuận sau thuế ở mức 178 tỷ đồng, gấp nhiều lần so con số 109 triệu đồng của cùng kỳ.

Đầu tư Cam Lâm được biết đến là chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resorts & Hotels có quy mô 13 ha (trước đây có tên là Cactus Cam Ranh Resort & Spa do liên doanh gồm CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị & Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico, SJS), CTCP Đầu tư & Phát triển Điện Miền Trung và CTCP Đầu tư & Phát triển Vân Phong hợp tác đầu tư xây dựng).

Ngoài ra, vào tháng 1/2018, Đầu tư Cam Lâm cũng đã ký kết hợp đồng thi công dự án Swiss Belresort Nha Trang trên diện tích 31 ha với tổng giá trị đầu tư khoảng 2,100 tỷ đồng.

Quay ngược trở về thời điểm tháng 12/2017, ngay sau khi trở thành cổ đông lớn của KPF, ông Kiều Xuân Nam (nay là Chủ tịch KPF) và ông Vũ Đức Toàn đã bán thành công 45% vốn tại Đầu tư Cam Lâm cho KPF. Tỷ lệ chuyển nhượng của hai người này lần lượt là 44% và 1%.

Chưa dừng lại, sau đó 1 tháng vào đầu năm 2018, HĐQT KPF lại quyết định mua thêm 48% vốn (tương ứng 72 tỷ đồng) tại Đầu tư Cam Lâm từ chính tay ông Vũ Đức Toàn. Nghĩa là chỉ trong vòng 2 tháng, KPF đã nhanh chóng chi 139.5 tỷ đồng để mua 93% vốn Đầu tư Cam Lâm do ông Toàn và ông Nam sở hữu.

VC3 sẽ là đầu mối quản lý của ông Vũ Đức Toàn?

Trong câu chuyện tại KPF và Đầu tư Cam Lâm đều có bóng dáng ông Vũ Đức Toàn, vậy còn tại VC3 thì vị này có quyền lực gì?

Ông Vũ Đức Toàn cũng chỉ vừa mới ngồi vào ghế Chủ tịch và ông Kiều Xuân Nam vào ghế Tổng giám đốc VC3 hồi tháng 4/2018 ngay sau khi hoàn tất chi phối được KPF. Điều đáng nói, trước khi ông Toàn ngồi vào ghế này thì hầu như giao dịch cổ phiếu VC3 không có nhiều biến động và cái tên Vũ Đức Toàn cũng không xuất hiện trong cơ cấu cổ đông lớn của VC3.

Biến động cổ phiếu VC3 từ khi niêm yết đến nay

Thêm vào đó, theo báo cáo được cho là đầy đủ gần đây nhất là báo cáo kiểm toán 2017 và báo cáo thường niên 2017 của VC3 cũng không hề công bố tên cụ thể của cổ đông lớn.

Được biết, cổ đông sáng lập của VC3 chính là Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Xây dựng Việt Nam. Nhưng đến nay cơ cấu cổ đông lớn của VC3 vẫn là một dấu hỏi lớn!

Về hoạt động kinh doanh, nếu như từ 2014-2016 Công ty hoạt động khá hiệu quả khi chỉ tiêu lợi nhuận ghi nhận sự tăng trưởng tốt hàng năm, thì năm 2017 lại đi lùi. Theo VC3, kết quả năm 2017 trầm lắng do các dự án hầu như đã đi vào hoạt động và bàn giao cho khách hàng nên công tác chủ yếu của VC3 là bảo hành, bảo trì theo quy định.

Và năm 2018, VC3 đã tái cấu trúc mô hình quản lý mới. Nếu như trước đây Công ty chủ yếu thực hiện các công trình của mình và vốn Nhà nước thì năm nay đẩy mạnh các dự án tư nhân, liên doanh nước ngoài. Và kế hoạch trong năm 2018 của VC3 có triển khai 3 dự án quy mô lớn là Swiss Belresidences Nha Trang với tổng mức đầu tư 1,400 tỷ đồng; dự án khu du lịch biển Cảnh Dương có tổng mức đầu tư 6,029 tỷ đồng; và dự án khu dân cư Vinaconex 3 Phổ Yên có tổng mức đầu tư 116.7 tỷ đồng.

Theo đó, VC3 đặt kế hoạch tổng doanh thu 569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng, đều chỉ nhích nhẹ so năm 2017. Trong khi đó, công ty con tương lai KPF lại đặt kế hoạch đột biến dù trong tay chỉ có “át chủ bài” về bất động sản là Đầu tư Cam Lâm.

Hoàng Nguyên

Fili