Bộ trưởng Năng lượng Iran kêu gọi OPEC không nên bị tác động bởi ông Trump

Bộ trưởng Năng lượng Iran kêu gọi OPEC không nên bị tác động bởi ông Trump

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nên phản đối những nỗ lực chính trị hóa thị trường dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Iran, Bijan Zanganeh.

Donald Trump đã tìm cách can thiệp công khai vào quá trình quyết định chính sách của OPEC trước cuộc họp quan trọng vào ngày thứ Sáu tuần này (22/06/2018). Trước đó, ông Trump đã lên tiếng phàn nàn trên mạng xã hội Twitter rằng nhóm OPEC là nguyên nhân thúc đẩy giá dầu lên mức đỉnh nhiều năm trong thời gian gần đây.

“Dầu không phải là một vũ khí – nó không phải là công cụ chính trị được sử dụng để chống lại một số quốc gia, nhà sản xuất hay người tiêu dùng”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh, cho biết tại Vienna – nơi OPEC và các đồng minh sẽ họp mặt trong tuần này.

“OPEC cũng không phải là một tổ chức chính trị và tôi tin rằng sẽ là cần thiết khi OPEC ủng hộ ý tưởng rằng thị trường dầu không nên bị tác động bởi các yếu tố chính trị và phản đối việc sử dụng dầu như là một công cụ để chống lại các nước khác”, ông nói thêm.

Lo ngại về mức giá xăng bình quân gần 3 USD/gallon ở Mỹ, ông Trump đã tìm cách đổ lỗi cho OPEC về đà tăng của giá dầu trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, ông Zanganeh cho biết chính Donald Trump là người đã tạo ra khó khăn cho thị trường dầu bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và Venezuela. Vậy mà giờ ông Trump lại kỳ vọng OPEC phải đối phó với những hậu quả từ quyết định áp lệnh trừng phạt bằng cách nâng sản lượng.

“Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ rằng (ông ấy) có thể ra lệnh cho OPEC và chỉ đạo OPEC làm một điều gì đó… Theo tôi, điều này không công bằng và OPEC không phải là một phần của Bộ Năng lượng Mỹ”, ông Zanganeh nhấn mạnh.

Cuộc họp quan trọng về chính sách sản lượng dầu thô

OPEC sẽ không đưa ra quyết định về chính sách sản lượng cho tới ngày thứ Sáu (22/06). Đây có thể là một trong những cuộc họp gây tranh cãi nhất trong nhiều năm qua.

Ả-rập Xê-út – quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất và là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu của OPEC – đang chung tay với Nga để đẩy mạnh đề xuất nới lỏng hạn ngạch sản lượng.

Trong ngày thứ Ba (19/06), Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết: “Nhu cầu dầu thường tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong quý 3… Chúng ta có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu nếu không đưa ra biện pháp đối phó”. “Theo chúng tôi, điều này có thể dẫn tới thị trường dầu rơi vào tình trạng quá nhiệt”.

Ông Novak cho biết Nga hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC nâng sản lượng dầu thêm 1.5 triệu thùng/ngày.

Ba nguồn tin từ OPEC cho biết một hội đồng kỹ thuật đã họp mặt trong ngày thứ Hai (18/06) để xem xét lại triển vọng của thị trường và dự báo về nhu cầu dầu trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018.

“Nếu OPEC và đồng minh tiếp tục sản xuất ở mức tháng 5/2018 thì thị trường sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt dầu trong 6 tháng tới”, nguồn tin này cho biết.

Tuy nhiên, các thành viên khác của OPEC, bao gồm Iran, Iraq và Venezuela, đang vận động hành lang để phản đối lại bất kỳ đề xuất thay đổi chính sách sản lượng hiện tại.

Vào cuối năm 2016, OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, đã tiến tới thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày với mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Trong tháng 4/2018, OPEC đã đạt được mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung dầu thô – một nỗi ám ảnh của thị trường dầu trong 3 năm qua.

Tính tới lúc 16h ngày thứ Tư (20/06 - giờ Việt Nam), hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 0.66% lên 65.33 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai cộng 0.67% lên 75.58 USD/thùng.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi