Bóng ma rút vốn và câu chuyện tỷ giá

Bóng ma rút vốn và câu chuyện tỷ giá

Sự kiện đồng Rupiah của Indonesia mất giá mạnh những ngày gần đây có thể đưa đến mối lo ngại cho những nền kinh tế đang phát triển nói chung và Đông Nam Á nói riêng, và đặt ra những thách thức về điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

“Bóng ma” tấn công đầu cơ và rút vốn

Trong 5 tháng qua, đồng Rupiah của Indonesia (IDR) đã giảm hơn 3% so với đồng đô la Mỹ, thậm chí đồng tiền này có lúc mất hơn 5.4% vào hôm 23/5, bất chấp những nỗ lực ổn định tỷ giá bằng các giải pháp mà Ngân hàng trung ương (NHTW) Indonesia thực hiện gần đây như tăng lãi suất và mua vào trái phiếu Chính phủ. Có thể nói đồng Rupiah đã trở thành một trong những đồng tiền chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực châu Á khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường khu vực và chuyển về Mỹ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên.

* Indonesia “như ngồi trên lửa” vì đồng Rupiah rớt giá

Diễn biến trên lại một lần nữa làm nhiều nhà đầu tư nhớ lại bóng ma khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Theo đó cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 các thị trường đã chứng kiến chính sách tiền tệ nới lỏng tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản khiến dòng vốn đổ ào ạt vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhanh tại châu Á để tìm cơ hội sinh lời cao hơn. Đối mặt với nguồn vốn đầu tư ồ ạt đổ vào và tránh để đồng nội tệ lên giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, các quốc gia tại Đông Nam Á cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và kết quả là cung tiền tăng gây sức ép lên lạm phát và bong bóng tài sản ở các thị trường cổ phiếu và nhà ở.

Và khi các thị trường tài sản này có dấu hiệu suy yếu, cộng thêm chính sách tiền tệ của các nước phát triển thắt chặt trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn đồng loạt hồi hương. Ban đầu các nước châu Á cố gắng đối phó với tình hình dòng vốn đảo chiều bằng cách sử dụng kho dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá và cố gắng duy trì niềm tin rằng các cơ quan quản lý đủ sức can thiệp, tuy nhiên sau đó cộng thêm hàng loạt cuộc tấn công tiền tệ của các quỹ đầu cơ thì đồng nội tệ của các quốc gia này rơi không phanh và nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề.

Theo các nhà kinh tế, một nguyên nhân trực tiếp nữa của khủng hoảng là năng lực xử lý khủng hoảng yếu kém, đáng lẽ các nước châu Á phải lập tức thả nổi đồng tiền của mình chứ không nên cố sức bảo vệ tỷ giá để đến nối cạn kiệt cả dự trữ ngoại hối nhà nước mà lại càng làm cho tấn công đầu cơ thêm kéo dài.

Quá khứ lặp lại?

Điều này dường như đang lặp lại. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, Ngân hàng trung ương các nước như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHTW châu Âu (ECB), NHTW Nhật Bản (BOJ) và các nước phát triển khác cũng thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, với lãi suất về 0% và các gói nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ. Dòng tiền rẻ này sau đó cũng chảy vào các thị trường tài sản tại châu Á với mong muốn sinh lời cao hơn, giúp giá nhà đất và cổ phiếu của các nước này duy trì xu hướng đi lên từ đó tới nay.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016 trở lại đây thì các NHTW này đang thắt chặt chính sách dần trở lại, với Fed đã có 6 lần tăng lãi suất và bắt đầu thu hẹp cung tiền. Chưa dừng lại ở đó, cơ quan quyền lực lớn nhất này còn dự kiến sẽ thêm vài lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và kéo dài đến 2020. Các NHTW lớn khác như ECB và BOJ cũng đang có dấu hiệu sớm thắt chặt trở lại bẳng cách rút dần các gói kích thích kinh tế.

Trong bối cảnh trên, đồng USD đã bắt đầu xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Chỉ số USD Index từ mức thấp 89 trong tháng 3 đã vượt 94 vào những ngày cuối tháng 5, đánh dấu mức tăng hơn 6.5% chỉ trong vòng 2 tháng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng có dấu hiệu tăng mạnh khi có nhiều thời điểm vượt ngưỡng tâm lý 3%, càng thu hút dòng tiền hồi hương trở lại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Với lãi suất đồng USD tăng lên, thì dòng vốn rẻ sẽ không còn rẻ nữa. Các nền kinh tế tại châu Á sẽ phải đối mặt với việc dòng vốn nước ngoài lại bị rút ra mạnh mẽ, như cách thức và tốc độ mà khi nó ồ ạt đổ vào. Indonesia chỉ mới là nạn nhân đầu tiên và chưa có gì chắc chắn mọi chuyện sẽ dừng ở đó. Cuộc khủng hoảng năm 1997 chứng kiến nạn nhân đầu tiên là Thái Lan và rồi sau đó lây lan qua các nền kinh tế còn lại tại Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Đây cũng là một trong những rủi ro có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. George Soros – ông trùm đầu cơ, người đã thực hiện cuộc tấn công tiền tệ vào châu Á năm 1997, thì hôm 29/5 vừa qua khi phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Paris đã cho rằng tư tưởng bài Liên minh châu Âu (EU) gia tăng, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng USD tăng giá mạnh và việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi đang là những vấn đề gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu. Theo đó “Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn lần nữa.”

Việt Nam có nằm ngoài cuộc chơi?

Đối với Việt Nam, thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước đã có dấu hiệu tăng nóng trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh mạnh trở lại trong những ngày qua, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán với động thái bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại nói chung và thoái vốn của các quỹ đầu tư nói riêng từ đầu năm đến nay là điều hết sức cần lưu ý.

Trong khi đó, trước bối cảnh đồng USD đi lên trở lại và các đồng tiền khác bị mất giá mạnh so với đồng bạc xanh, thì VNĐ vẫn giữ được sự ổn định khi có sự điều chỉnh không đáng kể từ đầu năm đến nay. Sự ổn định của tỷ giá là điều cần thiết cho nền kinh tế, tuy nhiên nếu điều này làm cho tiền đồng bị định giá cao một cách giả tạo so với đô la Mỹ, thì không những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu mà còn có thể rơi vào tàm ngắm của các cuộc tấn công tiền tệ của các quỹ đầu cơ.

Thực tế trong những ngày qua cho thấy thị trường ngoại hối trong nước đang có dấu hiệu nóng trở lại. Cùng với lạm phát tháng 5 tăng cao và cán cân thương mại thâm hụt trở lại ít nhiều càng tác động đến tâm lý nhà đầu tư, theo đó có thể làm tăng kỳ vọng tỷ giá có thể điều chỉnh mạnh hơn trong thời gian tới và thúc đẩy dòng vốn chuyển dịch sang nắm giữ USD. Tuy nhiên, điểm tích cực là hiên tại Việt Nam vẫn chưa cho phép tự do hóa tài khoản vốn nên dòng vốn khó có thể rút ra ồ ạt, trong khi kho dự trữ ngoại hối đã tăng lên rất mạnh trong thời gian qua cũng góp phần giúp tăng khả năng can thiệp khi cần thiết. Dù vậy, mọi thứ vẫn chưa có gì là chắc chắn.

Với lãi suất đồng USD tăng lên, thì dòng vốn rẻ sẽ không còn rẻ nữa. Các nền kinh tế tại châu Á sẽ phải đối mặt với việc dòng vốn nước ngoài lại bị rút ra mạnh mẽ, như cách thức và tốc độ mà khi nó ồ ạt đổ vào. Indonesia chỉ mới là nạn nhân đầu tiên và chưa có gì chắc chắn mọi chuyện sẽ dừng ở đó. Cuộc khủng hoảng năm 1997 chứng kiến nạn nhân đầu tiên là Thái Lan và rồi sau đó lây lan qua các nền kinh tế còn lại tại Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Phan Thụy

FILI