Cơ hội đầu tư vào Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Cơ hội đầu tư vào Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Liệu Triều Tiên có trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào một ngày nào đó?

Trong ngày thứ Ba (12/06), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong un, với hy vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã nói về điều này, cho rằng các công ty Mỹ có thể đầu tư vào Triều Tiên nếu điều đó xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư vẫn xem xét Triều Tiên với thái độ cực kỳ cẩn trọng. Và nếu có quốc gia nào nhanh chân chộp lấy cơ hội này thì đó nhiều khả năng là Trung Quốc.

“Cơ hội đầu tư hấp dẫn”

Trên giấy tờ, Triều Tiên có một vài đặc tính hấp dẫn với các công ty nước ngoài. Triều Tiên nằm giữa chuỗi cung ứng châu Á lớn, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, nền kinh tế này cũng có nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển.

“Sẽ có nhiều khoản đầu tư tiềm năng và cực kỳ hứng thú ở Triều Tiên”, ông Peter Ward, Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Seoul, cho hay.

Dân số Triều Tiên tuy nghèo khổ nhưng lại được giáo dục tốt, và chi phí lao động thì thấp hơn rất nhiều so với csac nước láng giềng, theo nhận định của các chuyên gia về Triều Tiên. Điều này sẽ biến quốc gia này trở thành một trung tâm tiềm năng để sản xuất thiết bị điện tử và hàng may mặc, một số chuyên gia phân tích cho hay.

Dù vậy, những lợi thế này đã bị lấn án bởi một số rào cản lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự can thiệp sâu của chính quyền Kim Jong Un.

“Triển vọng chính quyền Triều Tiên cho phép đầu tư vào quốc gia này là không cao”, Go Myong-hyun, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á, cho hay. “Chính quyền này cực kỳ hoài nghi về thị trường quốc tế”.

Trung Quốc có thể dẫn đầu

Là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc có thể dẫn đầu trong việc đầu tư vào quốc gia này.

Theo ông Wang, Triều Tiên có vẻ như là một ứng cử viên tự nhiên cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – một kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ USD để phất triển đường bộ, cảng biển và đường sắt từ châu Á tới châu Phi. Cơ sở hạ tầng tại hầu hết khu vực ở Triều Tiên đều trong tình trạng tồi tệ, theo nhận định của các chuyên gia.

Tuy nhiên, lượng tiền từ Trung Quốc có thể mang lại một số vấn đề phức tạp. Chẳng hạn như, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát một cảng biển mà họ đã phát triển ở Sri Lanka sau khi quốc gia Nam Á này không thể chi trả các khoản thanh toán.

"Triều Tiên có thể xem xét kỹ lưỡng về khả năng cho phép Trung Quốc nắm quyền sở hữu các tài sản trong tương lai", ông Ward cho biết.

Lịch sử không quá tốt đẹp trong quá khứ

Nhà đầu tư nước ngoài ở Triều Tiên gặp nhiều khó khăn trong quá khứ. Trong thập niên 80, Triều Tiên vỡ nợ trên khoản vay từ các ngân hàng châu Âu và Australia. Gần đây hơn, các công ty cố gắng hoạt động ở đất nước này đều vướng vào rắc rối.

Vào cuối những năm 2000, tập đoàn Ai Cập Orascom được mời liên doanh với Chính quyền Triều Tiên để xây dựng mạng lưới mạng di động đầu tiên của nước này.

Chỉ trong vài năm, Orascom gặp nhiều khó khăn, bao gồm bị chặn việc chuyển lợi nhuận ra khỏi Triều Tiên và Triều Tiên cũng lập nên một công ty để cạnh tranh với chính liên doanh này. Trong báo cáo tài chính năm 2015, Orascom đơn giản cho biết quyền kiểm soát các hoạt động của liên doanh này đã bị mất. Và cũng không có nhiều thông tin về số phận của công ty này được công bố công khai.

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi