Đức Long Gia Lai ước lãi 2018 đạt 140 tỷ đồng, sẽ sở hữu 500 ha đất tại TP.HCM sau BT

Đức Long Gia Lai ước lãi 2018 đạt 140 tỷ đồng, sẽ sở hữu 500 ha đất tại TP.HCM sau BT

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa công bố tài liệu dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 sắp tới xem xét, thông qua. Về kế hoạch kinh doanh, DLG đặt mục tiêu đạt 3,200 tỷ đồng doanh thu vào năm 2018, tăng lên 3,800 tỷ đồng vào năm 2019 và cán mốc 4,600 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận trong 3 năm tới (2018-2020) ước tính lần lượt đạt 140 tỷ, 180 tỷ và 220 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh thu thực hiện được của DLG đạt hơn 2,900 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế gần 89 tỷ đồng, tăng trưởng 4%, không đạt kế hoạch trước đó đã đặt ra cho cả năm.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận thực hiện năm 2017 không đạt chỉ tiêu đã đề ra là do:

   - Các dự án cao su đã đến thời kỳ khai thác nhưng giá bán mủ cao su quá thấp, không đủ bù đắp chi phí. Do đó, Công ty đã phải tạm ngưng khai thác và đang đầu tư duy trì vườn cây.

   - Nhiều dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đưa vào khai thác, đồng thời một số dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục.

   - Một số chi phí tăng so với năm 2016 như: Chi phí hoạt động tài chính tăng 14%, chi phí bán hàng tăng 117% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31%.

Năm 2018, DLG đặt kế hoạch doanh thu đạt 3,200 tỷ đồng, tăng lên 3,800 tỷ đồng vào năm 2019 và cán mốc 4,600 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận trong 3 năm tới (2018-2020) ước tính lần lượt đạt 140 tỷ, 180 tỷ và 220 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo DLG cho biết, định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành nghề chính: đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, BT, PPP; đầu tư kinh doanh bất động sản đa sản phẩm; đầu tư năng lượng (thủy điện, điện mặt trời); sản xuất điện tử và linh kiện điện tử; sản xuất kinh doanh nông nghiệp đa sản phẩm; đồng thời sẽ đầu tư có chọn lọc một số lĩnh vực, ngành nghề truyền thống mang lại hiệu quả.

Về cơ sở hạ tầng, sau khi được các cơ quan chức năng phê duyệt, DLG sẽ triển khai đầu tư Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại TP.HCM theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng với số vốn đầu tư gần 7,000 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng dự kiến tìm kiếm, tham gia các dự án cơ sở hạ tầng khác theo hình thức PPP (đối tác công tư) khi có cơ hội.

Về bất động sản, DLG sẽ đầu tư mạnh vào bất động sản đa sản phẩm, tập trung tại TP.HCM. Ngoài 3 dự án đã khởi công và bán hàng với 3,250 căn hộ, tổng mức đầu tư là 4,950 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và bàn giao nhà trong năm 2021-2022, DLG đang hoàn thiện thủ tục 2 dự án khác để khởi công và bán hàng trong năm 2019.

Ngoài ra, với việc đầu tư dự án cơ sở hạ tầng tại TP.HCM theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng, DLG sẽ sở hữu diện tích khoảng 500 ha đất tại các quận, huyện TP.HCM. Với diện tích này, DLG sẽ đầu tư vào các phân khúc như căn hộ, văn phòng, nhà thu nhập thấp, trung tâm thương mại và khu đô thị trong 5-10 năm tới.

Về bất động sản nghỉ dưỡng, Công ty sẽ tập trung đầu tư vào các dự án khách sạn và khu du lịch nghỉ dưỡng ở ven biển thuộc các tỉnh, thành phố thuộc Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu,… và các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Nông) trong vòng 5 năm tới.

Về năng lượng, DLG đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài 4 dự án thủy điện đã và đang đầu tư, Công ty đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư 4 dự án thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nâng tổng công suất các Nhà máy thủy điện tại Tây Nguyên lên 250 KW.

Bên cạnh đó, DLG đã đề xuất và được các tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận chấp thuận cho khảo sát, bổ sung quy hoạch và đầu tư các dự án năng lượng mặt trời. Dự kiến, Công ty sẽ đầu tư vào lĩnh vực này với tổng công suất từ 500-1,000 MW trong 5-10 năm tới.

Với ngành sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, DLG tập trung đầu tư vào các nhà máy Ansen (tại Trung Quốc), nhà máy DLG-Hanbit (Hàn Quốc) và nhà máy điện tử tại Khu công nghệ cao quận 9 (TP.HCM). Công ty cũng dự tính mở rộng đầu tư nhà máy điện tử tại Đà Nẵng.

Kế hoạch trong mảng này của DLG là mở rộng thị trường để sản xuất sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Về đội ngũ quản trị, HĐQT của DLG hiện tại gồm 5 thành viên, trong đó ông Bùi Pháp là Chủ tịch HĐQT. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 sắp tới, HĐQT dự kiến trình các cổ đông thông qua việc tăng số lượng thành viên HĐQT lên 7 người (miễn nhiệm 1 thành viên và bổ nhiệm mới 3 thành viên) để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của Công ty trong tình hình mới.

Vũ Hạ

FILI

Tài liệu đính kèm:
20180608_20180608 - DLG - QĐ HĐQT vv thong qua tai lieu DHDCD thuong nien 2018.pdf