NHTW Argentina không còn can thiệp, đồng Peso xuống thấp kỷ lục

NHTW Argentina không còn can thiệp, đồng Peso xuống thấp kỷ lục

Ngân hàng Trung ương Argentina không còn can thiệp để bảo vệ đồng Peso trong ngày thứ Sáu (08/06), sau khi quốc gia này tiến tới thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày thứ Năm (07/06).

*Hệ quả của một đồng USD mạnh

Đồng Peso sụt 1.3% xuống 25.31 đổi 1 USD trong ngày thứ Sáu (08/06), thấp hơn mức 24.985 đổi 1 USD hôm thứ Năm (07/06). Trước đó trong ngày 08/06, có lúc đồng tiền này lao dốc tới 2.2%.

Dù vậy, đà sụt giảm trên đánh dấu sự chấm dứt của 3 tuần Ngân hàng Trung ương Argentina can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm ổn định hóa đồng Peso vốn đang biến động mạnh. Kể từ ngày 14/05/2018, NHTW đã đề xuất bán ra 5 tỷ USD ở mức 25 Peso đổi 1 USD. Đề xuất trên (dù chưa được thực hiện) đã giữ đồng Peso ổn định trong suốt cuộc đàm phán với IMF.

* IMF cho Argentina vay 50 tỷ USD để cứu nền kinh tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 07/06 đã nhất trí cho Argentina vay số tiền lên tới 50 tỷ USD để giúp nước này vực dậy nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Đổi lại, Argentina đồng ý giảm chi tiêu tài khóa nhanh hơn, cho phép NHTW trở nên độc lập hơn và thay đổi mục tiêu lạm phát. Các nhà lãnh đạo của Argentina đã cầu cứu IMF sau một làn sóng bán tháo nặng nề đồng Peso trong tháng 5/2018, khi mức độ biến động trên toàn cầu và nỗi lo ngại về khả năng tín nhiệm của NHTW Argentina “đè nặng” tâm lý thị trường.

Mặc dù đồng Peso suy yếu trong ngày thứ Sáu, nhưng trái phiếu Argentina và cổ phiếu của nước này niêm yết tại Mỹ lại gia tăng tại thời điểm mở cửa giao dịch, dẫn đầu là ngân hàng Grupo Supervielle với mức leo dốc tới 8.4%. Vào phiên giao dịch buổi chiều, lợi suất trái phiếu Argentina tăng trở lại, còn giá cổ phiếu xóa bớt đà tăng.

Nhìn chung, các chuyên gia phân tích có quan điểm tích cực về thỏa thuận, lưu ý rằng Argentina và IMF đã ký kết thỏa thuận mang đậm tính lịch sử chỉ trong vòng 1 tháng.

“Thỏa thuận trên là một thành công lớn vì vài lý do: Chính phủ và IMF tiến triển quá nhanh, Argentina nhận được rất nhiều tiền và sự điều chỉnh là thận trọng ngay cả khi diễn ra nhanh hơn so với trước đây”, Claudio Loser, Giám đốc công ty tư vấn Centennial Group Latin America và từng là người đứng đầu bộ phận bán cầu Tây của IMF.

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích khác lại cho rằng Argentina sẽ gặp nhiều thách thức trong năm tới để đạt được mục tiêu chi tiêu tài khóa khi Tổng thống Argentina Mauricio Macri có khả năng tái tranh cử.

“Kế hoạch tài khóa của Argentina là khá tham vọng nhưng sẽ khó mà thực hiện”, Edward Glossop, Chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết trong báo cáo hôm thứ Sáu (08/06).

Quyết định của Tổng thống Argentina Mauricio Macri về đề nghị IMF hỗ trợ đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều phía tại nước này. Đề nghị IMF giúp đỡ vốn đề là một vấn đề gây mâu thuẫn ở Argentina, bởi IMF từng bị đổ lỗi gián tiếp gây ra thời kỳ suy sụp của nền kinh tế ở nước này cách đây gần 2 thập kỷ.

Hồi năm 2001, Argentina vỡ nợ số tiền vay nước ngoài 132 tỷ USD. Vào thời điểm đó, IMF đã vào cuộc hỗ trợ Argentina, nhưng không lâu sau thừa nhận rằng chính việc IMF giúp Argentina duy trì neo buộc tỷ giá đồng Peso vào USD đã kéo dài cuộc khủng hoảng. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà IMF yêu cầu Argentina thực thi khi đó cũng bị cho là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.

Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde chúc mừng Chính phủ Argentina đạt thỏa thuận với quỹ này. "Như chúng tôi đã nhấn mạnh từ trước, đây là một kế hoạch do Chính phủ Argentina vạch ra nhằm tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế vì lợi ích của toàn thể người Argentina", bà Lagarde nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi