NHTW Trung Quốc giảm dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng

NHTW Trung Quốc giảm dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng, qua đó giải phóng khoảng 700 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 108 tỷ USD) thanh khoản khi nước này cố gắng kiểm soát đòn bẩy và hỗ trợ các công ty quy mô nhỏ.

* Tình trạng bán tháo cổ phiếu margin tiếp tục ám ảnh TTCK Trung Quốc

Trong ngày Chủ nhật (24/06), PBoC công bố trên trang web rằng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số ngân hàng sẽ giảm bớt 0.5%, và có hiệu lực từ ngày 05/07/2018.

Đợt giảm tỷ lệ RRR này đã được dự báo từ trước, nhất là sau khi nội các Trung Quốc cho biết trong ngày 20/06 rằng họ sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm cả giảm tỷ lệ dự trữ cho một số ngân hàng, để gia tăng nguồn cung tín dụng cho các công ty nhỏ.

Cụ thể, PBoC thiết kế đợt cắt giảm này cho hai mục đích khác nhau. 5 ngân hàng Chính phủ lớn nhất và 12 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ được giải phóng 500 tỷ Nhân dân tệ thông qua các hợp đồng hoán đổi nợ thành cổ phần (debt-to-equity swaps), qua đó giảm bớt gánh nặng nợ cho một số công ty và giúp “làm đẹp” bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ hơn, như ngân hàng bưu chính và ngân hàng thương mại thành phố, sẽ được giải phóng 200 tỷ Nhân dân tệ và lượng tiền này được dùng để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Sự thay đổi có chủ đích và chính xác

Động thái này sẽ giúp thúc đẩy tiến độ ổn định của quá trình giảm bớt đòn bẩy và tăng cường hỗ trợ cho mạng lưới doanh nghiệp nhỏ yếu ớt. Đây là một sự thay đổi có chủ đích và chính xác”, PBoC cho biết trong một tuyên bố riêng. “PBoC sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và trung lập, đồng thời tạo ra một môi trường tiền tệ và tài chính thuận lợi cho sự phát triển chất lượng cao và cải cách về phía nguồn cung”.

“Lần giảm tỷ lệ RRR này không hề làm thay đổi lập trường chính sách thận trọng của PBoC. Quyết định trên phù hợp với tình hình kinh tế và thanh khoản hiện tại”, ông Wen Bin, Chuyên gia nghiên cứu tại China Minsheng Banking Corp. ở Bắc Kinh, cho hay. “Đây cũng là một bước đi đổi mới và giải quyết các vấn đề về cấu trúc, khi PBoC ra lệnh các ngân hàng sử dụng lượng tiền vừa có được để thúc đẩy các hợp đồng hoán đổi nợ thành cổ phần và hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Điều này có thể làm giảm gánh nặng tài chính cho một số công ty, đồng thời giảm bớt đòn bẩy”.

Lượng vốn vừa được giải phóng từ đợt giảm tỷ lệ RRR không nên được sử dụng để hỗ trợ các công ty “xác sống” (zombie companies), PBoC cho biết.

NHTW Trung Quốc đang điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế nước này cho thấy các dấu hiệu giảm tốc vì chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính và tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ. Sự thay đổi này cũng giúp các ngân hàng cảm thấy “dễ thở” hơn. Được biết, các ngân hàng phải thanh toán khoản tiền đã vay nợ từ cơ chế vay nợ trung hạn (MLF) của NHTW và dự trữ tiền mặt cho mùa thuế tháng 7/2018 và đợt kiểm tra pháp lý định kỳ hàng quý sắp tới.

Vượt qua các kỳ vọng

“Quy mô của lượng thanh khoản được giải phóng đã vượt kỳ vọng và nó lớn hơn hai đợt cắt giảm trước trong năm nay”, Ming Ming, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Tài sản có thu nhập cố định tại Citic Securities Co. ở Bắc Kinh, cho hay. “Đây gần như là một đợt cắt giảm tỷ lệ RRR cho tất cả, vì nó bao gồm gần như tất cả ngân hàng”.

Động thái này sẽ xoa dịu tình trạng thiếu hụt thanh khoản – vốn thể hiện trong quá trình triển khai chương trình hoán đổi nợ sang cổ phần, và cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn không muốn truyền tải một tín hiệu nới lỏng cho tất cả, Ming cho hay. “NHTW có lẽ đã dự đoán trước về đà tăng của rủi ro nợ trong tương lai gần, vì vậy họ quyết định thiết lập nên sự dàn xếp như thế này”, ông nhận định.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi