Chứng khoán Campuchia: Các công ty sẽ được phép bán cổ phiếu trên thị trường sơ cấp

Chứng khoán Campuchia: Các công ty sẽ được phép bán cổ phiếu trên thị trường sơ cấp

Các công ty tại Campuchia giờ đây có thể bán cổ phiếu tại thị trường sơ cấp sau khi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Campuchia (SECC) vừa thông qua các hoạt động do các công ty và đại lý bán chứng khoán thực hiện với điều kiện họ phải được SECC cấp phép, Khmer Times đưa tin.

Theo đó, trong một thông báo phát đi hôm 17/07, SECC cho biết, tất cả các công ty đáp ứng điều kiện giờ đây có thể nộp đơn xin phép để hoạt động với tư cách là các công ty bán chứng khoán hoặc các đại lý bán chứng khoán.

Theo quan điểm của một số người trong cuộc, động thái này của SECC có thể sẽ làm gia tăng chi phí đối với các công ty môi giới chứng khoán đang hoạt động.

Prom Visoth, Chủ tịch kiêm CEO tại Công ty Acleda Securities, chia sẻ, trước khi động thái mới này của SECC được đưa ra, các công ty môi giới chứng khoán chỉ được hoạt động trên thị trường thứ cấp như sàn chứng khoán hoặc thị trường trái phiếu. Hiện nay, các công ty này còn có thể tiếp cận thị trường sơ cấp với điều kiện họ phải nộp đơn xin phép để thực hiện hoạt động này.

Thị trường sơ cấp là một phần của thị trường vốn, đóng vai trò trong việc phát hành chứng khoán mới. Tại mỗi thị trường sơ cấp, các công ty, Chính phủ hay tổ chức thuộc lĩnh vực tư nhân có thể huy động kinh phí thông qua các đợt phát hành trái phiếu còn các công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng việc bán cổ phiếu mới thông qua quá trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ông Visoth chia sẻ: “Chẳng hạn, nếu Acleda Securities hiện nay muốn bán chứng khoán trên thị trường sơ cấp thì công ty cần phải nộp đơn xin phép lên nhà điều hành thị trường chứng khoán Campuchia và điều này sẽ làm phát sinh thêm các khoản chi phí, bao gồm phí cấp phép và chi phí nhân lực cần thiết để xem xét việc nộp đơn cũng việc đổi mới công ty hàng năm”.

Ông nói thêm: “Đây rõ ràng là một gánh nặng thêm đối với chúng tôi do hiện nay chúng tôi cần phải chi thêm nhiều khoản và cần nhiều nhân lực để tuân thủ theo quy định. Theo ông Visoth, thời điểm này thật sự còn quá sớm để triển khai quy định mới này do số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) cũng như khối lượng giao dịch còn quá ít.

Được biết, kể từ khi chính thức được thành lập từ năm 2012, đến nay CSX chỉ mới có 5 doanh nghiệp niêm yết.

Ông Visoth lý giải, trong khi ý định của SECC khi họ ban hành quy định mới này là nhằm mục đích tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh chứng khoán trong nước đồng thời nâng cao tính minh bạch và tính khả thi nhưng trước bối cảnh hiện nay của CSX thì quy định mới này chỉ làm tăng thêm chi phí đối với các công ty chứng khoán mà thôi.

Theo ông Visoth, để thu hút thêm nhiều công ty tham gia trên CSX, SECC nên đưa ra những ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, nhà điều hành thị trường chứng khoán Campuchia cũng cần tích cực tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về đầu tư chứng khoán.

Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)

FILI