Chứng khoán châu Á phục hồi trên diện rộng

Chứng khoán châu Á phục hồi trên diện rộng

Thị trường chứng khoán châu Á đảo chiều trong ngày thứ Năm (12/07), vì các thị trường gạt bỏ nỗi lo về thương mại sau động thái công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc có thể chịu hàng rào thuế quan mới từ phía Mỹ.

Tính tới lúc 9h50 giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 245.49 điểm (tương ứng 1.12%), bù đắp phần lớn đà giảm trong phiên trước. Chỉ số nông lâm ngư dẫn đầu đà leo dốc trong phiên sáng với 3%, còn chỉ số dược phẩm và viễn thông tăng hơn 2%.

Ở Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite tiến 36.32 điểm (tương ứng 1.31%), xóa bớt phần nào đà giảm mạnh trong ngày hôm qua (11/07). Còn chỉ số Shenzhen Composite cộng 0.9%. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 103.66 điểm (tương ứng 0.37%).

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h50 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 9.07 điểm (tương ứng 0.4%) bất chấp đà suy giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ. Hai cổ phiếu Samsung Electronics và SK Hynix giảm tương ứng 0.11% và 1.04%.

Cũng trong ngày thứ Tư (12/07), chỉ số ASX200 của Australia tiến 43.9 điểm (tương ứng 0.71%) khi phần lớn lĩnh vực đều khởi sắc, trong đó lĩnh vực y tế dẫn đầu đà tăng.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) gần như đi ngang vào buổi sáng.

Trong ngày thứ Ba (10/07), chính quyền Donald Trump đã công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD để áp thuế nhập khẩu 10%, qua đó tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Hàng rào thuế quan này sẽ không có hiệu lực ngay lập tức, nhưng sẽ trải qua quá trình rà soát kéo dài 2 tháng cùng với các cuộc điều trần vào ngày 20-23/08/2018.

Về phần mình, Trung Quốc cam kết sẽ đáp trả lại trước kế hoạch áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, như một động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến tranh thương mại vốn đã rất căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Bắc Kinh mô tả động thái mới nhất của Mỹ là động thái bắt nạt “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi những quốc gia khác chung tay với Trung Quốc để bảo vệ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương.

Trước đó, trong ngày 06/07/2018, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau.

“Mỗi lần chúng ta tiến thêm một bước vào phạm vi chiến tranh, thị trường lại lung lay như chúng ta vừa chứng kiến. Thị trường cổ phiếu bị bán tháo một chút, sau đó nếu không có thêm tin xấu trong 1 tuần hoặc hơn thì chúng lại bắt đầu phục hồi trở lại”, Robert Carnell, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại ING Bank, cho biết trong một báo cáo.

Tuy nhiên, với các tác động dài dẳng như diễn biến thương mại, thị trường “sẽ không có các đợt điều chỉnh nhỏ tạm thời”, rồi lại phục hồi nhanh chóng, mà thay vào đó là “đợt bán tháo sâu hơn và kéo dài”, ông Carnell cho hay.

Các thành phần tham gia thị trường ngày càng tin rằng xung đột thương mại sẽ kéo dài.

“Tuyên bố ngày 11/07 từ Mỹ củng cố thêm quan điểm rằng chúng ta đang trong chu kỳ căng thẳng leo thang và kéo dài… Dù vậy, chúng tôi tiếp tục cho rằng các cuộc đàm phán và quá trình giảm bớt căng thẳng vẫn là kết quả sau cùng”, các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo. “Tuy nhiên, quá trình căng thẳng kéo dài càng lâu, thì tác động lên niềm tin doanh nghiệp và chi tiêu vốn càng lớn, qua đó gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, họ nói thêm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm trong ngày hôm qua (11/07) vì diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, Dow Jones đứt mạch 4 phiên leo dốc liên tiếp, và quay đầu giảm 219.21 điểm (tương ứng 0.88%) xuống 24,700.45 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á nhuốm sắc đỏ hôm thứ Tư (11/07) sau động thái của Nhà Trắng, khi nhà đầu tư lo ngại về các tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi