Chuyên gia đạt giải Nobel: Các Chính phủ sẽ giáng “búa rìu” lên Bitcoin

Chuyên gia đạt giải Nobel: Các Chính phủ sẽ giáng “búa rìu” lên Bitcoin

Những tín đồ của những đồng tiền kỹ thuật số, như Bitcoin, cho rằng đồng tiền này và công nghệ Blockchain sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ giao dịch cho tới thu thập dữ liệu cá nhân.

Dù vậy, những nhà phê bình lại tỏ ra lo ngại về việc áp dụng một loại tài sản tài chính – vốn có thể sử dụng ẩn danh và không có cơ quan trung ương nào kiểm soát nó.

Chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel và Giáo sư của Đại học Columbia, Joseph Stiglitz, nằm trong số những nhà phê bình này.

Chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel và Giáo sư của Đại học Columbia, Joseph Stiglitz

Mặc dù sổ cái giao dịch được ghi nhận dựa trên công nghệ Blockchain là công khai, nhưng ông Stiglitz cho rằng sự ẩn danh của Bitcoin mở ra cánh cửa cho những doanh nghiệp tội phạm.

“Bạn không thể có phương tiện thanh toán dựa trên đặc tính bí mật khi muốn tạo ra một hệ thống ngân hàng minh bạch”, ông Stiglitz (75 tuổi) nói với Financial News trong ngày thứ Hai (09/07). “Nếu bạn mở ra lỗ hổng như Bitcoin, thì tất cả hoạt động bất chính sẽ tràn qua lỗ hổng đó và không Chính phủ nào có thể cho phép điều đó xảy ra”.

Mặc dù thị trường tiền ảo ngày nay là tương đối nhỏ, nhưng ông Stiglitz cho rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường này sẽ nhanh chóng buộc các cơ quan chức trách áp đặt quy định: “Một khi nó trở nên to lớn thì họ sẽ sử dụng ‘búa rìu’”.

Thật vậy, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) đã bắt đầu kiểm soát và giám sát thị trường tiền ảo, còn các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cũng đang tạo ra các chính sách để xử lý giao dịch tiền ảo.

Trên thực tế, ông Stiglitz cho rằng việc tăng cường quy định về Bitcoin sẽ làm cho đồng tiền ảo này trở nên vô dụng. “Tôi có cảm giác là khi bạn quản lý nó quá chặt chẽ và họ không thể tham gia vào các hoạt động rửa tiền và tất cả loại tội phạm khác thì cũng chẳng còn nhu cầu dành cho Bitcoin nữa”, ông nói với hãng tin Bloomberg trong tháng 1/2018. “Bằng cách quản lý việc lạm dụng tiền ảo, bạn sẽ khiến nó không còn tồn tại được nữa. Chúng tồn tại nhờ những sự lạm dụng trên”.

Một số tổ chức tài chính dường như không đồng tình với quan điểm trên. Tháng 5/2018, Goldman Sachs tuyên bố kế hoạch mở ra nghiệp vụ giao dịch Bitcoin – một động thái có thể thu hút những ngân hàng khác làm theo. Tháng kế đó, công ty đầu tư vốn mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, Andreessen Horowitz, tuyên bố sẽ khởi động một quỹ dành riêng cho công nghệ tiền ảo. Và ngân hàng Anh, Barclays, đã ký một thỏa thuận hỗ trợ cho Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất trên thế giới, trong tháng 3/2018.

Hồi tháng 2/2018, hai nhà đầu tư Bitcoin, Tyler và Cameron Winklevoss, nói với hãng tin CNBC rằng công nghệ Blockchain là một thứ gì đó mà thế hệ lớn tuổi hơn không thể hiểu được. Bên cạnh ông Stiglitz, những nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính như Warren Buffett (CEO kiêm Chủ tịch của Berkshire Hathaway), Christine Lagarde (nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế –IMF), Jamie Dimon (CEO của JPMorgan) đều chỉ trích đồng Bitcoin. Và nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft, Bill Gates, cũng thế.

“Những lời chỉ trích trên chỉ là một thất bại về trí tưởng tượng”, Tyler Winklevoss cho hay.

Trước đó, ông Stiglitz đã tranh luận để ủng hộ Mỹ cải cách giao dịch và thanh toán theo hướng kỹ thuật số hơn, có độ mở cao hơn và minh bạch.

“Có một khuôn khổ toàn cầu cho hành vi tham nhũng, trốn thuế và né tránh thuế”, ông cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos trong năm 2017. “Tôi tin chắc rằng các quốc gia như Mỹ có thể và nên chuyển sang một đồng tiền kỹ thuật số… Nhờ đó, bạn sẽ có khả năng theo dõi các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một vấn đề quan trọng về tính riêng tư, an toàn mạng, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra lợi thế rất lớn”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đồng tiền kỹ thuật số đó nên là Bitcoin.

“Tôi muốn chúng ta hướng về một hệ thống thanh toán điện tử, nhưng bạn không cần Bitcoin cho hệ thống này”, ông Stiglitz nói với Bloomberg trong tháng 1/2018.

Tổng vốn hóa thị trường của Bitcoin ở gần mức 116 tỷ USD vào chiều ngày thứ Hai (09/07 – giờ Mỹ), theo dữ liệu từ CoinMarketCap.com.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi