Góc nhìn về ngôi vô địch năng lực cạnh tranh của nước Mỹ

Góc nhìn về ngôi vô địch năng lực cạnh tranh của nước Mỹ

Nước Mỹ vừa nhảy 3 bậc trên bảng xếp hạng mới nhất về năng lực cạnh tranh quốc gia, vượt Hong Kong và Singapore, vượt tất cả những quốc gia khác, lên vị trí số 1 trên phạm vi toàn thế giới [1].

Nguồn: World Competitiveness Ranking 2018 versus 2017 [2]

Bảng xếp hạng này xây dựng bởi IMD World Competitiveness Center dựa trên hơn 258 chỉ báo (Indicator) về kinh tế [3]. So với năm 2017, trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu, quốc gia giữ nguyên vị trí có Singapore (hạng 3) và Thụy Điển (hạng 9), tuột hạng bao gồm: Hong Kong SAR (mất ngôi số 1), Switzerland, nhóm tăng hạng bao gồm: Mỹ, Netherlands, Denmark, UAE, Norway và Canada [4].

Vị trí số 1 (Mỹ) và số 2 (Hong Kong) của bảng xếp hạng là 2 quốc gia dẫn đầu 4 yếu tố quan trọng nhất trên tổng 258 chỉ báo kinh tế tổng thể. Nước Mỹ xếp hạng nhất về năng lực cạnh tranh nổi bật có 2 yếu tố xếp hạng mạnh nhất thế giới đó là hiệu quả kinh tế (Economic performance) và cơ sở hạ tầng (Infrastructure), 2 yếu tố còn lại Hong Kong dẫn đầu là hiệu quả điều hành của chính phủ (Government efficiency) và hiệu quả của doanh nghiệp (Business efficiency).

Trung Quốc, quốc gia gần đây trong tâm bão về chiến tranh thương mại với Mỹ, mặc dù cũng tăng +5 bậc từ hạng 18 lên hạng 13, nhưng không thuộc tốp dẫn đầu [5]. Tuy nhiên, về chỉ số hiệu quả kinh tế (Economic performance) Trung Quốc xếp thứ 2 ngay sau Mỹ chỉ 1 bậc, còn so sánh về hiệu quả điều hành của chính phủ (Government efficiency), Trung Quốc đứng thứ 46, thấp hơn vị trí này của Mỹ 20 bậc [6].

Cuộc chiến thương mại (Trade war) là khái niệm đang được sử dụng rộng rãi để mô tả sự chao đảo thương trường trên quy mô toàn cầu gần đây, thực chất  giống như một cuộc trình diễn về phương pháp, hiệu quả và tác dụng của các công cụ điều tiết nền kinh tế của chính phủ hơn. Các công cụ này đã tồn tại và phát triển lâu đời, cho đến năm 2016 được chính quyền Trump đưa vào sử dụng và phát huy kịch kim về mặt công năng.

Chiến lược của Tổng thống Donald J. Trump thực sự mãn nhãn những ai quan tâm về chính sách và hiệu quả của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế. Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Trump liên tục cắt giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời giáng thuế cho hàng ngoại nhập. Các chính sách đi sâu sát tới từng loại hàng hóa, chạm đến từng ngóc ngách của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính sách của Trump có một sự đồng hành rất mạnh mẽ với doanh nghiệp của Mỹ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, và ảnh hưởng tiêu cực một cách trực diện lên năng lực cạnh tranh của hàng hoá đến từ thị trường khác, điều đó mang lại một sức ảnh hưởng to lớn đối với hiệu quả kinh tế nước Mỹ thể hiện rõ qua thực chứng của các con số thống kê chứ không phải chỉ là dự báo [7], đưa mục tiêu tăng trưởng 3% được nhiều chuyên gia và báo chí Mỹ đánh giá là “hoang tưởng” (Crazy) đã trở thành hiện thực, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống 3.8% là con số thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thời bong bóng công nghệ những năm đầu thế kỷ 20 [8].

Quan điểm của Giáo sư Artubo Bris, giám đốc IMD World Competitiveness Center cho rằng để một đất nước trở nên giàu có hơn về tài chính và thịnh vượng hơn về chất lượng cuộc sống, sức mạnh cạnh tranh quốc gia chính là mục tiêu quan trọng nhất trong việc phát triển chính sách của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về kinh tế để xây dựng giá trị dài hạn (long-term value) cho các thành phần kinh tế. Sức mạnh cạnh tranh quốc gia chính là cốt lõi cho triển vọng thịnh vượng của quốc gia nói chung (Overall prosperity of a country). Nước Mỹ trở lại ngôi vô địch về năng lực cạnh tranh toàn cầu đã khởi tạo một xu hướng, một trào lưu mới, góc nhìn tiêu cực gọi nó là chủ nghĩa bảo hộ, góc nhìn tích cực có thể gọi nó là sự đồng hành trên từng bước đi của Chính phủ và doanh nghiệp.

Mặc dù Việt Nam là một quốc gia chưa có tên trong tốp 63 quốc gia cạnh tranh theo xếp hạng của IMD World Competitiveness Center, nền kinh tế chúng ta đang ở một bối cảnh khác, và đặc điểm của các thành phần kinh tế cũng rất khác biệt. Chúng ta sẽ vẫn có thể hy vọng một nền kinh tế sang trang mới nếu chúng ta có một chiến lược ở tầm quốc gia thực sự đặc biệt và phù hợp. Chiến lược đó cần nhất là sự đồng hành của Chính phủ, cần sự đồng hành trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, trên từng chặng đường mà doanh nghiệp đang qua, cần một sự quan tâm lắng nghe gần gũi đến thực tế từng ngành nghề, ngóc ngách của chuỗi cung ứng, áp dụng linh hoạt, sẳn sàng thay đổi, sẳn sàng dao động để phát triển. Lịch sử luôn luôn có thể sang trang mới một khi có chiến lược thực tế và phù hợp và sắc bén. Trong cuộc sống này điều kỳ diệu nhất là không có điều gì là không thể!

ThS. Đinh Hạ Vân

FILI

Tài liệu trích dẫn trong bài viết:

[1] IMD World Competitiveness Center, “IMD World Competitiveness Rankings 2018,” 2018 <https://www.imd.org/globalassets/wcc/docs/release-2018/ranking2018.pdf>.

[2] IMD World Competitiveness Center, “The 2018 IMD World Competitiveness Ranking One Year Change,” 2018, 2018 <https://www.imd.org/globalassets/wcc/docs/release-2018/one-year-change-2-columns.pdf>.

[3] Michelle Jamrisko, “U.S. Leapfrogs Singapore, Hong Kong to Win World’s Most Competitive Economy,” 2018 <https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-05-23/u-s-beats-hong-kong-to-reclaim-global-competitiveness-crown>.

[4] IMD World Competitiveness Center, “The 2018 IMD World Competitiveness Ranking Top 15,” 2018, 2018.

[5] IMD World Competitiveness Center, “Overall Competitiveness Ranking,” 162.20 (2018), 99–100.

[6] IMD World Competitiveness Center, “The 2018 IMD World Competitiveness Ranking Top 15.”

[7] Investor’s Business Daily, “U.S. Back At No. 1 Competitiveness Ranking — Will Trump’s Critics Ever Admit To Being Wrong?,” 2018 <https://www.investors.com/politics/editorials/u-s-competitiveness-ranking/>.

[8] Investor’s Business Daily.