IEA: Công suất dầu dư thừa có thể bị sử dụng hết vì đợt gia tăng sản lượng của OPEC

IEA: Công suất dầu dư thừa có thể bị sử dụng hết vì đợt gia tăng sản lượng của OPEC

Các nỗ lực của OPEC trong việc kìm hãm đà tăng của giá dầu có thể làm cạn kiệt công suất dư thừa trên thế giới, theo báo cáo định kỳ từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Báo cáo của IEA được đưa ra ngay sau khi giá dầu Brent chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong 2 năm giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao và các vấn đề về nguồn cung dầu toàn cầu vẫn còn tiếp diễn.

“Tình trạng gián đoạn nguồn cung khiến chúng tôi nhớ lại về áp lực lên nguồn cung dầu toàn cầu. Điều này sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn nữa khi việc gia tăng sản lượng từ các quốc gia Trung Đông và Nga sẽ làm cạn công suất dư thừa trên thế giới, vốn có thể bị kéo lên mức công suất tối đa”, IEA cho biết trong ngày thứ Năm (12/07).

“Tình trạng dễ bị tác động về nguồn cung đã thúc đẩy giá dầu và dường như có thể tiếp tục”, IEA nói thêm.

Khi công suất dư thừa cao thì nó đóng vai trò như là tấm đệm an toàn hấp thụ các cú sốc tới thị trường năng lượng. Tuy nhiên, khi tấm đệm này bị bào mòn đáng kể trong vài tháng gần đây vì tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Venezuela, Libya và Canada.

Trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga gia tăng sản lượng, thì ngay cả đợt gián đoạn quy mô nhỏ ở các quốc gia sản xuất dầu cũng có thể khiến giá dầu nhảy vọt.

Thỏa thuận Vienna

IEA cho biết sản lượng dầu thô đã nhảy vọt lên đỉnh 4 tháng tại mức 31.87 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2018. Trong khi đó, công suất dư thừa ở Trung Đông được cho là ở quanh mức 1.6 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2018, gần 2% sản lượng toàn cầu.

OPEC, Nga và một vài nhà sản xuất khác gần đây nhất trí gia tăng sản lượng thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày với mục đích kìm hãm đà tăng của giá dầu. Tuy nhiên, những người quan sát bên ngoài nghĩ rằng, các quốc gia sẽ khó mà thêm từng ấy thùng dầu vào thị trường, vì chỉ có một vài quốc gia ở Trung Đông có công suất dầu dư thừa.

Tháng 5/2018, nhà sản xuất dầu có sức ảnh hưởng nhất OPEC, Ả-rập Xê-út, đã nâng sản lượng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2016, qua đó thực hiện cam kết kìm hãm giá dầu.

Vương quốc này đang đối mặt với nhiều áp lực từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ trong vài tháng gần đây, vì các nhà nhập khẩu dầu thô lớn đều lo ngại về đà tăng của giá dầu.

“Triển vọng nguồn cung cao hơn từ các thành viên trong thỏa thuận Vienna… là rất đáng hoan nghênh nếu chúng ta có thể đảm bảo sự ổn định của nguồn cung dầu trên thị trường trong vài tháng tới”, Neil Atkinson, Trưởng Bộ phận Ngành và thị trường dầu tại IEA, cho biết trong ngày thứ Năm (12/07).

Giá dầu

Trong ngày thứ Năm (12/07), giá dầu Brent tăng 1.6% lên 74.57 USD/thùng, còn giá dầu WTI tiến 0.4% lên 70.65 USD/thùng.

Hôm thứ Tư (11/07), hợp đồng dầu Brent tương lai tụt gần 7%, khi xuất hiện thông tin Libya chuẩn bị xuất khẩu dầu trở lại. Sự trở lại của Libya có thể thêm nhiều nhất là 850,000 thùng/ngày trở lại thị trường dầu quốc tế.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi