Len Việt Nam - Công ty con của Vinatex bên bờ vực phá sản

Len Việt Nam - Công ty con của Vinatex bên bờ vực phá sản

Trong năm 2018, CTCP Len Việt Nam (LVN) tiếp tục đặt kế hoạch lỗ khoảng 11 tỷ đồng, nhưng vấn đề căng thẳng hơn tại doanh nghiệp này là Vietbank đang khởi kiện và có khả năng bị tòa tuyên bố phá sản.

Vốn âm, bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Trong năm 2017, Len Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần gần 47 tỷ đồng, lao dốc so mức 142 tỷ của năm 2016. Lợi nhuận sau thuế âm gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ lỗ hơn 9 tỷ đồng. Theo Len Việt Nam, Công ty thua lỗ do thanh lý hàng tồn kho, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, xử lý hàng thiếu các năm trước và gánh nặng chi phí lãi vay của hàng tồn kho.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Len Việt Nam ở mức gần 49 tỷ đồng, giảm phân nửa so đầu kỳ chủ yếu do giảm hàng tồn kho. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 36 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Trong đó, vay Vietinbank 26 tỷ đồng quá hạn hơn 1 năm, Vietbank gần 10 tỷ đồng đã quá hạn 2 năm.

Với lỗ lũy kế gần 45 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm gần 4 tỷ đồng, thêm vào đó nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 30 tỷ đồng, là những yếu tố tạo sự nghi ngờ lớn về khả năng hoạt động liên tục của Công ty nếu không có các giải pháp tài trợ vốn từ các cổ đông.

Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) đang nắm hơn 67% vốn tại Len Việt Nam, tương ứng hơn 27.5 tỷ đồng và cũng là cổ đông lớn nhất tại đây.

Bên bờ vực bị tuyên bố phá sản, Len Việt Nam kêu gọi cổ đông giúp đỡ

Năm 2018, Len Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 42 tỷ đồng, giảm gần 21% so năm 2017. Trong đó, doanh thu sản xuất thực tế lao dốc từ mức gần 41 tỷ đồng xuống còn 29.5 tỷ đồng. Còn lại là từ thanh lý hàng tồn kho và tài sản vẫn xấp xỉ cùng kỳ với hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí thực tế lại ngốn tới 53 tỷ đồng khiến kế hoạch 2018 dự kiến lỗ khoảng gần 11 tỷ đồng trong đó chủ yếu do thanh lý tồn kho, chi phí tồn tại cũ.

Trong năm nay Công ty tiếp tục khai thác các khu máy có hiệu quả, chỉ sản xuất, gia công khi có đơn đặt hàng đảm bảo hiệu quả không sản xuất để không phát sinh tồn kho. Tìm nguồn hàng gia công ổn định. Về đầu tư phát triển, tiếp tục thanh lý hàng hóa, tài sản để trả nợ vay, huy động vốn mới từ nhiều nguồn (nhà đầu tư mới, nguồn tín dụng mới) dưới nhiều hình thức để tái đầu tư, phục hồi sản xuất với cơ cấu mặt hàng mới phù hợp với thị trường như sợi len chải kỹ, chải thô, các loại sợi len đặc biệt có giá trị cao...

Về kế hoạch trả nợ vay, Len Việt Nam cho biết tiếp tục tìm mọi biện pháp để thanh lý hàng tồn kho và các máy móc thiết bị không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để có nguồn tài chính trả nợ vay. Hiện Ngân hàng Vietbank đang khởi kiện Len Việt Nam do nợ quá hạn. Công ty vẫn không có nguồn để trả nên sắp tới có thể bị tòa án tuyên bố phá sản.

Theo HĐQT Len Việt Nam, từ nhiều năm qua, tình hình tài chính của Công ty bị lâm vào tình cảnh mất khả năng thanh toán nợ vay. Việc sản xuất kinh doanh hầu như không hiệu quả. Việc sản xuất chủ yếu để duy trì việc làm, nhưng lại làm tăng tồn kho rất cao, đội giá bán nên không tiêu thụ được. Hiện nay, Công ty cũng chưa thể có bất kỳ phương án nào để khôi phục sản xuất kinh doanh do không có bất kỳ nguồn vốn nào hỗ trợ. Mặt khác, tình hình Công ty rất nghiêm trọng, đang bên bờ vực thẳm, do sẽ đối mặt với việc tuyên bố phá sản của bất kỳ ngân hàng nào đang cho vay vì trong tình trạng quá hạn. HĐQT Len Việt Nam đề nghị cổ đông góp ý các giải pháp quyết liệt nhằm giúp Công ty tránh tình trạng phá sản.

Hoàng Nguyên

Fili