Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm sau khi ZTE nộp phạt xong 1.4 tỷ USD

Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm sau khi ZTE nộp phạt xong 1.4 tỷ USD

Bộ Thương mại Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với Tập đoàn ZTE, qua đó cho phép các công ty Mỹ bán linh kiện cho công ty này. Điều này đã đập tan rào cản cuối cùng để ZTE bắt đầu xây dựng lại hoạt động của mình.

Trong một tuyên bố ngày thứ Sáu (13/07), Bộ Thương mại Mỹ cho biết, lệnh cấm đã được gỡ bỏ sau khi ZTE hoàn tất đợt nộp phạt 1.4 tỷ USD với động thái ký quỹ 400 triệu USD tại một ngân hàng Mỹ. Trước đó, công ty này đã nộp 892 triệu USD cho Chính phủ Mỹ sau khi thừa nhận vi phạm lệnh trừng phạt.

Việc gỡ bỏ lệnh cấm lên ZTE là một yêu cầu quan trọng của chính quyền Trung Quốc giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới dâng cao. Mặc dù các cuộc đàm phán đã chững lại kể từ hồi tháng 6/2018, nhưng Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện mong muốn trở lại bàn đàm phán.

Sau khi Mỹ công bố danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, Wang Shouwen, kêu gọi các quan chức Mỹ giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán song phương. Về phía Mỹ, nhóm của Donald Trump cũng thể hiện mong muốn tiếp tục đàm phán cấp cao, theo nguồn tin thân cận.

Trong tháng 4/2018, chính quyền Donald Trump đã tuyên bố cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm vì công ty này vi phạm thỏa thuận trừng phạt với việc bán công nghệ Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Động thái trên đã buộc ZTE phải tuyên bố đóng cửa hoạt động.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi quan điểm trong tháng 5/2018, cho biết ông đang cân nhắc lại các biện pháp phạt đối với ZTE. Sau đó, chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ cho phép ZTE hoạt động sau khi đóng phạt, thay đổi bộ máy quản lý và cung cấp “mức độ đảm bảo an ninh cao”.

Tháng trước, ZTE đã thực hiện động thái nhằm đáp ứng các điều kiện của Nhà Trắng, tiến hành thay đổi toàn bộ Hội đồng quản trị và bổ nhiệm Chủ tịch mới. Bộ máy quản lý mới của ZTE đối mặt với thách thức phải gầy dựng lại niềm tin với các công ty điện thoại và các khách hàng doanh nghiệp. Thế nhưng, ZTE được cho là đã bị thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD vì lệnh cấm trên, vì họ phụ thuộc vào các linh kiện từ các công ty Mỹ để lắp ráp các thiết bị, điện thoại thông minh và các sản phẩm khác.

Trước đó trong tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép ZTE tạm thời hoạt động, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn.

Trong khi đó, một nhóm nhà làm luật Mỹ vẫn lo ngại về mối đe dọa của ZTE đối với an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời đẩy mạnh các dự luật nhằm khôi phục lại các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi