Shark Phú rót tiền vào “nước mắm”

Shark Phú rót tiền vào “nước mắm”

Mang startup kinh doanh nước mắm tới Shark Tank Việt Nam, CEO Lê Anh của Công ty thực phẩm Lê Gia gọi vốn đầu tư 6 tỷ đồng đổi lấy 11% cổ phần cho công ty của mình.

Trước những định kiến với nước mắm truyền thống như: quá nặng mùi, quá mặn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…, nhà sáng lập Lê Anh đã quyết định thành lập startup Lê Gia để đem nước mắm truyền thống đến gần với người tiêu dùng Việt Nam hơn. Đặc biệt, Lê Gia còn có bí quyết riêng để tạo ra nước mắm có vị thanh, mùi dịu, màu tươi hổ phách. Lê Anh tham vọng, trong vòng 5 năm tới, Lê Gia sẽ dẫn đầu thị phần nước mắm cho trẻ em. Thương hiệu này kỳ vọng đến năm 2021 sẽ dẫn đầu về mắm tôm, mắm tép – một thị trường tiềm năng trị giá 2,000 tỷ đồng.

CEO Lê Anh thuyết trình về startup Lê Gia.

Về các lợi thế cạnh tranh, Lê Anh chia sẻ giá bán một chai nước mắm hảo hạn của Lê Gia đến tay người tiêu dùng chỉ có 88,000 đồng trong khi các đối thủ cùng phân khúc trên thị trường niêm giá dao động từ 90,000 – 110,000 đồng. Nếu khách hàng đại lý thì giá bán còn thấp hơn nữa. Năm 2017, Lê Gia đạt doanh thu 6.1 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế là 1.03 tỷ đồng. Riêng quý 1/2018, công ty này đạt được hơn 2 tỷ đồng. Với doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng trong năm 2018, Lê Anh định giá công ty lên đến 66 tỷ đồng, bằng 5 lần doanh thu năm 2018..

Cách định giá công ty dựa trên doanh thu của nhà sáng lập này lập tức nhận được những cái “lắc đầu”. Shark Phú cho hay: “Giá trị các bạn định giá quá cao, không đúng với thực tế. Khả năng tăng trưởng của ngành nghề truyền thống không thể mở rộng quy mô lớn được, chính vì vậy, không bao giờ có chuyện P/E cao được ở ngành này”.

Tuy nhiên, Shark Phú vẫn quyết định mở ra cho nước mắm Lê Gia một con đường với lời đề nghị cho startup này vay 6 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm, kèm điều kiện sau 2 năm, nếu Lê Gia không đạt được KPI thì số tiền cho vay sẽ được chuyển đổi sang cổ phần công ty. Chia sẻ bằng cái tâm của người làm nghề, ông chủ Sunhouse cho hay, khó khăn lớn nhất của ngành thực phẩm là xây dựng nên một hệ thống, và rào cản để các startup thực phẩm mở rộng quy mô là vô cùng lớn.

Dù khá lo ngại về khả năng mở rộng quy mô của nghành nghề truyền thống nhưng Shark Hưng vẫn quyết định nhập cuộc với lời đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu chuyển đổi thành 33% cổ phần sau 3 năm.

Đưa lời đề nghị hợp tác cùng Shark Phú, Shark Dũng ngỏ ý sẽ cho Lê Gia vay thêm 2 tỷ đồng trong thời gian 2 năm với lãi suất 15% năm mà không cần cổ phần chuyển đổi. “Cá mập công nghệ” cũng gây bất ngờ khi lần đầu tiết lộ gia đình ông cũng từng có truyền thống làm nghề nước mắm.

Sau thời gian suy tính, dù sẽ phải chịu nhiều rủi ro nhưng Lê Anh vẫn quyết định bắt tay cùng Shark Phú và Shark Dũng. Theo đó, startup này được Shark Phú cho vay 4 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm cùng điều kiện chuyển đổi thành cổ phần sau 3 năm nếu không đạt KPI, đồng thời, nhận khoản góp vốn 2 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm từ Shark Dũng. Bên cạnh đó, startup này chắc chắn nhận được sự hỗ trợ từ nguồn lực từ các công ty của ông chủ Sunhouse.

Shark Phú và Shark Dũng bắt tay cùng startup sản xuất nước mắm.

Tiết lộ lý do đồng ý đầu tư vào Lê Gia, Shark Phú cho hay quyết định xuất phát từ tâm huyết của ông đối với ngành nghề truyền thống. Chủ tịch Sunhouse luôn mong muốn hỗ trợ, tiếp sức cho các startup trẻ phát triển, theo đuổi ngành nghề truyền thống. Tại mùa 1 của Shark Tank Việt Nam, Shark Phú cũng đã đầu tư vào dự án Dấm gạo Thủy Tâm.

Yến Chi

FILI