Triển vọng ngành tích cực, liệu TCM và TNG có duy trì đà tăng trưởng?

Triển vọng ngành tích cực, liệu TCM và TNG có duy trì đà tăng trưởng?

CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) bước vào năm 2018 với nhiệm vụ duy trì đà tăng trưởng 2 năm liên tiếp sau 2 năm lợi nhuận đi lùi trước đó. Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) sẽ đối mặt với nhiệm vụ kéo dài mức tăng trưởng năm thứ 6 liên tiếp.

Triển vọng tích cực của ngành dệt may

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31 tỷ USD, tăng 10.23% so với năm 2016. Mỹ vẫn đứng đầu thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam với 48.3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 12.53 tỷ USD (+9.4% so với năm trước). Ba trọng tâm xuất khẩu còn lại là EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đạt được những kết quả tích cực. Đóng góp cho đà tăng trưởng một phần do hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN - EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực ngày 5/10/2016.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 34.2 tỷ USD. Các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo đà cho ngành dệt may phát triển. Khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0% thì tốc độ tăng trưởng ở thị trường này có thể lên tới 7-8%/năm, hiện nay hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế từ 7%-17%.

Trong khi đó, việc ký kết CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đơn hàng, do sự dịch chuyển nguồn đầu tư cho dệt may từ các quốc gia không tham gia CPTPP (như Trung Quốc - hiện là nguồn nhập khẩu dệt may lớn nhất của Mỹ) sang các nước thuộc CPTPP để hưởng lợi thuế suất. CPTPP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh thị phần tại các nước Australia, Canada, Mexico, Nhật Bản…

TCM và TNG liệu có tận dụng được lợi thế?

Trước triển vọng tươi sáng của ngành dệt may trong năm 2018, nhiều ý kiến dự báo doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng sau năm 2017 thành công. Trong đó, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng TCM và TNG sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Kết quả kinh doanh TCM từ 2014-2017 và kế hoạch 2018 (Đvt: Tỷ đồng)

Năm 2018, TCM đặt kế hoạch doanh thu 3,166  tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 189 tỷ đồng, tương ứng 98% thực hiện năm 2017. Website công ty cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với doanh thu 69.404 triệu USD và LNST 4.590 triệu USD, lần lượt vượt 3% và 15% kế hoạch nửa năm.

Dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng giá cổ phiếu TCM lại giảm so với thời điểm đầu năm 2018. Giá cổ phiếu TCM đã giảm từ 29,900 đồng/cp (ngày 02/01) về 16,600 đồng/cp (ngày 13/07).

Năm 2017, kết quả kinh doanh của TCM khả quan một phần nhờ tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất 22ha tại KCN Xuyên Á và 7 ha tại Nhà máy Sợi số 3 (Long An), mang về gần 73 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy của TCM tại Vĩnh Long đã bắt đầu giảm lỗ và đạt hiệu quả ngày càng cao, cùng với việc tái cấu trúc các mảng kinh doanh chính giúp cải thiện đáng kể kết quả năm 2017.

Việc tái cơ cấu các mảng kinh doanh được xem là tạo tiền đề tăng trưởng cho tương lai khi từ năm 2018, TCM định hướng tập trung năng lực sản xuất cho ngành đan kim và nhuộm, đáp ứng nhu cầu vải đan kim thành phẩm cho các nhà máy may, giảm bớt kinh doanh sợi khi biến động giá sợi khó đoán và biên lợi nhuận không cao.

Mặc dù vậy, tại TCM vẫn tồn tại rủi ro về chi phí nguyên vật liệu, cụ thể là biến động khó lường của giá bông bởi chiếm tỷ trọng khá cao. Một khi giá bông tăng mạnh thì mục tiêu tăng trưởng năm 2018 của TCM có thể trở nên khó khăn hơn.

Kết quả kinh doanh TNG từ 2013-2017 và kế hoạch 2018 (Đvt: Tỷ đồng)

Trong khi đó, TNG bước vào năm 2018 với mục tiêu khó khăn hơn là duy trì chuỗi tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận năm thứ 6. TNG đặt kế hoạch năm 2018 với doanh thu 2,750 tỷ đồng và LNST 127 tỷ đồng, tăng 10.5% và 10.43% so với năm 2017. Theo báo cáo mới nhất của TNG, 5 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu gần 1,138 tỷ đồng, LNST 45.6 tỷ đồng, tăng 55.2% và 54.6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 5, doanh thu đạt 314.2 tỷ đồng, LNST đạt 14.9 tỷ đồng, tăng 67.8% và 67.4% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cổ phiếu TNG cũng giảm từ 14,000 đồng/cp (ngày 02/01) xuống còn 10.100 đồng/cp (ngày 13/07).

Theo MBS, doanh thu của TNG tăng trưởng với CAGR đạt 21.8% giai đoạn 2014 -2017, cao hơn so với mức 10.79% của ngành dệt may năm 2017. Doanh thu của TNG liên tục tăng qua các năm nhờ quá trình mở rộng quy mô sản xuất, kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây mới thêm 2 nhà máy: TNG Phú Lương, TNG Võ Nhai để nâng số chuyền may từ 228 năm 2017 lên 257 vào năm 2020.

Theo chiến lược phát triển của TNG, công ty sẽ từng bước tăng dần tỷ lệ doanh thu hàng nội địa từ 5% lên 10 -15% đến năm 2020. Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức cao nhờ chính sách cơ cấu lại khách hàng tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín như: Decathlon, TCP, Handad (Nike)… Do vậy, doanh thu từ hợp đồng FOB được tăng lên so với doanh thu từ CMT thông thường, qua đó giúp TNG cải thiện biên lợi nhuận gộp.

 

TCM và TNG là 2 doanh nghiệp dệt may lọt vào Danh sách bình chọn doanh nghiệp niêm yết (DNNY) có hoạt động IR tốt nhất 2018 - IR Awards 2018.

Ngoài việc đạt chuẩn công bố thông tin, kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp nói trên cũng cho thấy sự tăng trưởng khả quan. Hiệu quả sinh lời (ROE) của TCM và TNG khá tốt và tốt hơn so với trung bình ngành. Trong khi đó, mức nợ khá an toàn khi tổng nợ nhỏ hơn tổng tài sản.

Tham gia bình chọn tại website của chương trình: https://ir.vietstock.vn

Gia Nghi

FILI